Thủ tướng: Bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể

Minh Hoa|31/08/2021 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 226/TB-VPCP ngày 30/8/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kết luận nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của các đại biểu, nhất là các đại biểu ở xã, phường, thị trấn với các ý kiến góp ý phong phú, trách nhiệm, tâm huyết và chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay xuất phát từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đặc biệt biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an đã cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực làm việc quên ngày đêm, thậm chí hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, hiệp hội, hội đồng hương, các tổ chức tôn giáo…

Công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả nhất định. Một số tỉnh, thành phố, trong đó có 6 tỉnh (Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) đã kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế.

13 tỉnh, thành phố (Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng) đã thực hiện được một số tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế nhưng cần tiếp tục quyết liệt, mạnh mẽ, tích cực triển khai hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch.

4 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang) tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh do đặc thù địa bàn với nhiều khu vực tập trung đông dân cư, nhà trọ, là trung tâm giao thương kinh tế lớn của cả nước, có tính đặc thù rất lớn, vì vậy, thành phố đã cố gắng rồi cần tiếp tục cố gắng hơn nữa, quyết liệt, thực hiện triệt để hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Những ngày qua, Thủ tướng đã đến tận các xã, phường động viên bà con yên tâm chống dịch. Ảnh: VGP.

Tại Kết luận, Thủ tướng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, trong đó xác định mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch.

Lãnh đạo các địa phương, nhất là lãnh đạo cấp cơ sở cần quán triệt sâu sắc, thấm nhuần tinh thần chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 86/NQ-CP, Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 và Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021. Phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Khi dịch bệnh bùng phát, triển khai ngay thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt cách ly triệt để, chặt chẽ, nghiêm ngặt các ổ dịch, nguồn lây; tranh thủ “thời gian vàng” thực hiện giãn cách, tổ chức triển khai xét nghiệm thần tốc trên diện rộng để nhanh chóng phát hiện, tách nguồn lây F0 ra khỏi gia đình, cộng đồng để phân loại, chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả; rút ngắn chu kỳ xét nghiệm bao phủ và trả kết quả; ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra vùng nông thôn nơi có hạ tầng y tế còn hạn chế; tổ chức ưu tiên tiêm chủng an toàn, hiệu quả cho các đối tượng cần thiết theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương.

Khi thực hiện giãn cách, phải bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, lưu ý hỗ trợ người không có điều kiện, thiếu lương thực, thực phẩm (người bị đứt bữa), người yếu thế, những người “lang thang, cơ nhỡ”, kể cả các gia đình có điều kiện nhưng có khó khăn mặt nào thì hỗ trợ mặt đó.

Về y tế, Thủ tướng yêu cầu phân loại, quản lý chăm sóc, thu dung, điều trị ca bệnh ngay tại cơ sở, tại các trạm y tế lưu động để giảm ca bệnh nặng, giảm tử vong. Phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, không để quá tải y tế ở tuyến trên. Kết hợp Đông y và Tây y, áp dụng các phương pháp cổ truyền với hiện đại trong điều trị. Tuyên truyền “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”. Tổ chức tiêm vaccine khoa học, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, chú ý tiêm vaccine, xét nghiệm cho người làm dịch vụ vận chuyển, công nhân. Tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước nhưng phải tuân thủ hướng dẫn, quy định, quy trình của cơ quan chuyên môn và hội đồng khoa học. Tiếp tục thực hiện hiệu quả biện pháp 5K và các giải pháp công nghệ khác.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an dân, trật tự an toàn xã hội; các tổ chức vận động người dân hướng ứng “ai ở đâu ở đó” khi thực hiện giãn cách xã hội. Nghiên cứu di dời một bộ phân dân cư tại các khu vực có mật độ dân số cao, khu trọ đông người, chật hẹp đến khu vực thoáng, an toàn… để hạn chế lây nhiễm.

Khuyến khích thực hiện duy trì, phát triển sản xuất tuy nhiên phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo quy định. Bảo đảm thông suốt các chuỗi cung ứng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương không quy định riêng, không ban hành các “giấy phép con” làm cản trở việc lưu thông hàng hóa trên toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương các cấp kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Bí thư cấp ủy các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch tại địa phương, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Kiện toàn Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch UBND làm Chỉ huy trưởng; có quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cho rõ ràng; có cơ chế giao ban của các cấp, báo cáo cấp trên trực tiếp hàng ngày; tổ chức ứng trực, tiếp nhận, xử lý mọi thông tin 24/24, nhất là đối với người dân. Cấp ủy, tổ chức đảng là hạt nhân, các đảng viên phải thể hiện vai trò gương mẫu trong phòng, chống dịch bệnh; các tổ chức đảng, mặt trận tổ quốc, đoàn thể tham gia giám sát và vận động, tuyên truyền người dân trong công tác phòng, chống dịch, có quy chế làm việc, phối hợp chặt chẽ. Huy động sự vào cuộc, tham gia hiệu quả của mọi người dân, doanh nghiệp phòng, chống dịch.

Đối với các xã, phường, thị trấn cần kêu gọi người dân tham gia triển khai tích cực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương, thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội; Cung cấp các gói an sinh xã hội; Bảo đảm tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn; Bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể; Thu dung, phân loại chăm sóc, điều trị người bệnh ngay từ cơ sở tại các trạm y tế lưu động; tổ chức xét nghiệm thần tốc và rút ngắn chu kỳ xét nghiệm, tiêm vaccine ngay tại xã, phường trong thời gian giãn cách…

Thủ tướng chỉ đạo thành viên Ban Chỉ đạo các cấp cần thực hiện hoạt động theo quy chế quy định, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước nhân dân về phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện dần, không nóng vội, không cầu toàn. Phát huy tinh thần trách nhiệm với mục tiêu tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Minh Hoa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Bảo đảm người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể