Thủ tướng thăm và làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo VGP|25/02/2018 03:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2018), chiều 24/2, tại Tp. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, chúc mừng các bác sỹ, y tá, nhân viên, người lao động Bệnh viện Chợ Rẫy – một trong những cơ sở khám chữa bệnh hàng đầu của Bộ Y tế tại khu vực phía Nam.

Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế, các địa phương, các ngành chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân 

Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo một số bộ, ngành, TP. Hồ Chí Minh và hơn 350 cán bộ chủ chốt của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện được thành lập cách đây 108 năm.

Tự chủ tài chính với doanh thu 4.700 tỷ đồng

Bác sỹ Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Bệnh viện luôn chú trọng chuyên môn nghiệp vụ, đóng vai trò là bệnh viện tuyến cuối hàng đầu khu vực phía nam. Hiện bệnh viện có 4.000 cán bộ, viên chức, trong đó có 2.000 người là lao động kỹ thuật cao, nguồn nhân lực quý giá cho hoạt động của bệnh viện.

Năm 2017, Bệnh viện đã đưa vào áp dụng nhiều kỹ thuật mới như hệ thống phẫu thuật robot, nội soi 3D, hệ thống xét nghiệm tự động…

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn cho biết, là một trong những bệnh viện đầu tiên xây dựng phương án tự chủ, đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tự chủ hoàn toàn về tài chính. Năm 2017, doanh thu đạt hơn 4.700 tỷ đồng. Thu nhập của cán bộ, viên chức tăng dần, hiện trung bình đạt 17 triệu đồng/tháng.

Lãnh đạo Bệnh viện cũng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy chất lượng, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Gửi lời thăm hỏi ân cần nhất đến 4.000 thầy thuốc, nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện có lịch sử lâu đời nhất nước ta, là bệnh viện tuyến kỹ thuật sau cùng làm nhiệm vụ hỗ trợ cho 24 tỉnh, thành phố phía Nam, Thủ tướng chúc các thầy thuốc, nhân viên Bệnh viện một mùa xuân tràn đầy sức khỏe để phục vụ tốt nhất cho nhân dân.

“Chúng ta đã biết và ai cũng nói điều này, sức khỏe là vốn quý nhất của con người và toàn xã hội. Thực ra biết điều đó mà mọi người giữ gìn, chăm sóc sức khỏe của mình thì đỡ đến bệnh viện nhưng không dễ nói điều đó vì đến đá cũng đổ mồ hôi. Cho nên, cần người chăm sóc, giúp đỡ, hướng dẫn, chữa chạy, là thầy thuốc”, Thủ tướng phát biểu và khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân và giao nhiệm vụ cao cả này cho đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế.

Nhắc lại lời của Bác Hồ cách đây 63 năm, “người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”, Thủ tướng cho rằng, nhìn lại 63 năm thực hiện lời dạy của Người, ngành Y tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trưởng thành nhiều mặt. Năm 1954, chúng ta mới có 300 y bác sĩ thì đến nay chúng ta có 460.000 người trong ngành y tế, có 14.000 cơ sở khám chữa bệnh các hạng, có tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân đạt 8,2, cao hơn bình quân các nước ASEAN. Trình độ phát triển y tế chuyên sâu phát triển vượt bậc. Có thể nói, trên thế giới có kỹ thuật hiện đại nào, có loại thuốc mới nào thì gần như trong thời gian rất ngắn, các thầy thuốc, bác sĩ của ta để tiếp cận, ứng dụng, làm chủ được công nghệ đó.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi nghe Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn nói về việc đổi mới trong quản lý bệnh viện, nhất là tự chủ tài chính, nâng cao đời sống của thầy thuốc, cán bộ y tế.

Bệnh viện Chợ Rẫy có hơn 1,5 triệu lượt người đến khám và cấp cứu. Số giường bệnh nội trú trên 2.700 giường trong khi giường kế hoạch chỉ có 1.900 giường.

“Những con số biết nói này đã thể hiện, ghi nhận tài năng, uy tín của Bệnh viện đối với người bệnh và nhân dân, nhất là các tỉnh phía Nam”, Thủ tướng bày tỏ. “Càng tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn mà ngành Y tế nước ta đã đạt được, chúng ta càng phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa, cần phải vượt qua khó khăn, thách thức hơn nữa, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, tiếp tục xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng cao hơn, tốt hơn nữa nhu cầu bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, xứng đáng với sự hy sinh, phấn đấu của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành cùng các thầy thuốc, cán bộ Bệnh viện Chợ Rẫy

Vẫn còn hiện tượng vô cảm trước nỗi đau của người bệnh

Theo Thủ tướng, ngành Y tế có nhiều điểm sáng nhưng bên cạnh đó, cần thẳng thắn nhìn nhận còn không ít khó khăn, hạn chế, yếu kém cần khắc phục như vấn đề y đức, giảm quá tải bệnh viện, lạm dụng kháng sinh và xét nghiệm, công tác quản trị bệnh viện, cải cách hành chính, công khai minh bạch, nhất là công tác quản lý trang thiết bị y tế, vấn đề quản lý thuốc và gần đây là vấn đề an ninh, an toàn trong các bệnh viện.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế, các địa phương, các ngành chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, trong đó tập trung vào một số nội dung. Đó là tiếp tục trau dồi, nâng cao y đức. Bác Hồ đã căn dặn cán bộ ngành Y tế: phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình.

“Vẫn còn hiện tượng trong ngành Y tế vô cảm trước nỗi đau bệnh tật của người bệnh. Đây là những hành vi không những làm tổn hại y đức mà còn trái với lời căn dặn của Bác Hồ là thầy thuốc phải như mẹ hiền”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, công tác giảm quá tải bệnh viện cần tiếp tục, đồng bộ hơn.

Đánh giá ngành Y tế và Bệnh viện Chợ Rẫy đã có nhiều giải pháp giảm quá tải bệnh viện, Thủ tướng cho rằng ngành Y tế cũng cần nỗ lực hơn nữa, tiến tới không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Tập trung ưu tiên giải quyết giảm quá tải ở các bệnh viện đa khoa Trung ương, bệnh viện ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi, tim mạch, phụ sản, đặc biệt là ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, Chính phủ đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho ngành y tế. Trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, phải sử dụng, phát huy thật hiệu quả nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế, đặc biệt là các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ xây dựng 5 Bệnh viện Trung ương tuyến cuối để đưa các bệnh viện này vào hoạt động hiệu quả trong năm 2018.

“Tôi đã nói với ngành Y tế nhiều lần rằng, đây mới là cái vỏ của bệnh viện mới. Cái ruột, tức là chất lượng, uy tín của các thầy thuốc ở bệnh viện ấy cùng các trang thiết bị cần thiết mới quyết định số lượng bệnh nhân tới khám”, Thủ tướng chia sẻ và mong muốn phải đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất để người bệnh biết rằng tới các bệnh viện mới cũng như tới Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai…

Thủ tướng đã đến thăm hỏi, chúc mừng các cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế của Bệnh viện Tim Tâm Đức

Đặt bài toán giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh

Điều trăn trở nữa mà Thủ tướng chia sẻ là vấn đề lạm dụng thuốc và kháng sinh. Nếu Việt Nam được cộng đồng thế giới đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế thì Việt Nam cũng được báo cáo là nơi có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Theo Thủ tướng, bài toán đặt ra là vận dụng những phương pháp, những cách làm mới để giảm thiểu tình trạng này. Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc các bệnh viện, Sở Y tế cần tham mưu đề xuất những chủ trương biện pháp tốt hơn nữa, sát hơn nữa để giải quyết tình trạng kháng kháng sinh.

Thủ tướng cũng nhắc đến việc quản trị bệnh viện, bảo đảm an ninh an toàn trong bệnh viện, không để xảy ra những vụ việc không đáng có, trong đó sớm khắc phục một số tiêu cực trong một số bệnh viện như độc quyền cung cấp dịch vụ hậu cần bệnh viện như xe cứu thương, xe taxi, dịch vụ ăn uống, dịch vụ an ninh trong bệnh viện…

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương, ngành chức năng có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của thầy thuốc và nhân viên của ngành Y tế.

Các cơ quan chức năng, nhất là ngành Công an điều tra, xử lý nghiêm những hành động gây thương tích cho các cán bộ ngành Y tế, đặc biệt một số vụ như vừa xảy ra ở Yên Bái.

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh khi mà nhiều nơi còn rườm rà, còn tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân xếp hàng dài. Một số bệnh viện còn yêu cầu tạm ứng lắt nhắt, gây nhiều phiền nhiễu cho bệnh nhân. Do đó, cần nhân rộng bệnh án điện tử, bác sĩ gia đình, sử dụng chung kết quả xét nghiệm…

Cần quản lý hiệu quả trang thiết bị y tế từ việc mua sắm, bảo dưỡng, vận hành, sử dụng, đồng thời tránh lạm dụng trong khám, điều trị bệnh. Không để thiết bị chất lượng kém vào các bệnh viện với giá cao. Cần bảo đảm đủ thuốc chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn, không có đơn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh, cho lưu hành thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Quản lý chặt chẽ các nhà thuốc. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Vận dụng tốt hơn nữa y học hiện đại với y học cổ truyền.

“Chúng ta phải cùng nhau xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy chất lượng, văn minh, hiện đại, nghĩa tình như phát biểu của đồng chí Nguyễn Trường Sơn báo cáo”, Thủ tướng nói.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng chúc các thế hệ y bác sĩ, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế nói chung và đặc biệt Bệnh viện Chợ Rẫy dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp cao cả của mình, xứng đáng với danh hiệu cả quý: Người Thầy thuốc của nhân dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định cơ sở 2 của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ được bố trí vốn đối ứng để tiếp tục triển khai và món quà mà Thủ tướng mang đến tặng Bệnh viện hôm nay là dành khoản tiền 25 triệu USD vốn ODA của Chính phủ Áo giai đoạn 2 cho Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục đầu tư trang thiết bị.

Cũng trong ngày hôm nay, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, chúc mừng các cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế của Bệnh viện Tim Tâm Đức nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Theo VGP


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thủ tướng thăm và làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.