Thủ tướng: Vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi

Hoàng Nhân|04/12/2020 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Khẳng định đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam ta. Phải cùng nhau xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi.

Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 2 năm 2020.

Sáng 4/12, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 2, năm 2020 khai mạc tại Hà Nội.

Dự đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, cùng 1.592 đại biểu đại diện cho hơn 14,2 triệu đồng dân tộc thiểu số trên cả nước.

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đại hội là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết các dân tộc, “như 54 cánh sen tạo nên một bông sen Việt Nam rực rỡ, ngát hương”.

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, Thủ tướng cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng lên miền núi, từ thành thị về nông thôn, từ đất liền ra đến hải đảo.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á với GDP tăng trung bình 6,3% trong 10 năm qua. Ngay cả khi thế giới phải đối mặt với đại dịch thế kỷ COVID-19, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, thậm chí có thể là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực Đông Nam Á, theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.

Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường

Sự phát triển của quốc gia đến từ thành công của các địa phương. Bên cạnh các địa phương phát triển luôn duy trì sức tăng trưởng cao, các tỉnh khó khăn – nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều tỉnh Miền Trung, đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên nơi có đông đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống vẫn luôn nỗ lực để đạt tăng trưởng khá, với ý chí không để tỉnh nhà bị bỏ lại phía sau, quyết tâm phải làm cho các dân tộc tỉnh nhà ngày càng vươn lên cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn.

Truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào được quan tâm bảo tồn và phát huy thành một tài sản tinh thần cho con cháu, một tài nguyên mới cho việc phát triển các lĩnh vực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc được giữ vững; công tác xây dựng đảng đạt được nhiều kết quả tích cực, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong vùng đồng bào dân tộc được tăng cường đoàn kết, thống nhất, vững mạnh hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo đại hội. Ảnh: Quang Hiếu.

“Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường. Nhìn một cách tổng quát, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bao giờ được khởi sắc như ngày nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho hay, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế – xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Với những quyết tâm và nguồn lực tập trung đầu tư mạnh mẽ như vậy, đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thuỷ lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 80% thôn có đường cho xe cơ giới; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí.

Thủ tướng khẳng định, đồng bào các dân tộc đã góp phần rất to lớn vào những thành quả phát triển vĩ đại của đất nước dù chỉ chiếm 15% dân số.

Người đứng đầu Chính phủ thừa nhận, bên cạnh kết quả đạt được, còn hiều hạn chế, khuyết điểm chưa thể làm được hay làm tốt hơn được. Cụ thể, kinh tế đất nước mặt dù tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây, quy mô kinh tế giờ đây đã thuộc nhóm 4 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, song chúng ta vẫn còn ở nước có thu nhập trung bình, chúng ta vẫn phải nỗ lực rất nhiều để sớm hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

Nhà nước đã đầu tư đáng kể vào kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi ở nhiều nơi, các dự án đầu tư vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội mong muốn. Bên cạnh đó, so với sự phát triển của cả nước và ở từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao, khoảng cách thu nhập so với cả nước ngày càng rộng. Kỹ năng lao động của người dân tộc thiểu số còn thấp, khiến cho cơ hội việc hạn chế và thu nhập chậm được cải thiện…

Vun đắp tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

“Tôi mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta dù khó khăn vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em chúng ta được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn. Chỉ có giáo dục mới là con đường duy nhất đưa bản làng, quê hương, đất nước chúng ta phát triển giàu mạnh được” – Thủ tướng nói.

Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự đại hội.

Thủ tướng kêu gọi, hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc (về tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, dân nhạc…), đồng thời cần kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, rừng là lá phổi của chúng ta. Với đồng bào dân tộc thiểu số, rừng trước tiên còn là tấm áo giáp góp phần bảo vệ an toàn khỏi thiên tai, lũ lụt, sạt lở. Rừng cũng là sinh kế cho đồng bào. Vì thế, đã đến lúc đồng bào dân tộc thiểu số phải giữ rừng như chính giữ sinh mạng của mình. Cùng nhau lên án và chặn đứng các tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phải cùng nhau tiếp tục xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi.

“Phải cùng nhau xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi. Bởi vì, đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ xây dựng, vun đắp, bằng mồ hôi, công sức; bằng sự nhọc nhằn, hy sinh; bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoàng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi