Thừa Thiên – Huế: Đẩy nhanh tiến độ xử lý đất tồn dư dioxin tại Sân bay A So

Hoàng Anh|14/08/2022 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So (xã Đông Sơn, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) gặp nhiều khó khăn. Hiện Bộ Tư lệnh Hóa học -Bộ Quốc phòng đang tập trung nguồn nhân lực và trang thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án này sau gần 2 năm triển khai.

Dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So được khởi động vào tháng 10.2020, với kinh phí hơn 76 tỉ đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết bất lợi nên quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cơ bản dự án vào cuối năm 2022.

san-bay-a-so.jpg
Lực lượng Binh chủng Hóa học xây dựng hố chôn lấp cô lập để xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So.

Sân bay A So là khu vực đã hứng chịu hậu quả nặng nề của hơn 432.812 gallon thuốc diệt cỏ với khoảng 11 kg dioxin. Kết quả khảo sát của một số dự án cho thấy, diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 5 ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, tổng khối lượng trầm tích cần xử lý 35.000m3, trong đó 6.600m3 đất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt (mức độ rất nặng).

Khi thực hiện dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So, do thời tiết nắng mưa thất thường ở vùng núi nên quá trình đào xúc cũng như quá trình xử lý đáy hố gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, sân bay A So nằm trong vùng thung lũng nên trong quá trình xử lý đáy hố gặp rất nhiều mạch nước ngầm… Các đơn vị thi công đã có biện pháp khắc phục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ tham gia dự án nhằm sớm hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Thiếu tá Nguyễn Phượng Minh, Phó Trưởng phòng Sinh học, Viện Hóa học môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) cho biết: Việc xử lý đất nhiễm dio­xin tại sân bay A So được kết hợp thực hiện theo 2 phương pháp, gồm xử lý bằng chôn lấp cô lập tích cực và sử dụng phương pháp sinh học để xử lý đất nhiễm dio­xin. Ưu điểm của phương pháp sinh học là xử lý triệt để nồng độ dioxin trong đất, phục hồi môi trường tốt hơn so với các phương pháp khác.

Dioxin là một trong những hóa chất cực độc, vô cùng nguy hiểm đối với con người và môi trường. Do đó, khi nhận nhiệm vụ trực tiếp xử lý chất độc dioxin còn lưu tồn tại khu vực sân bay A So, các cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng Hóa học đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn để sớm hoàn thà­nh nhiệm vụ. Quá trình xử lý chất độc còn tồn lưu này, lực lượng thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và cho môi trường, cộng đồng dân cư xung quanh khu vực. “Đối với môi trường bên ngoài, chúng tôi cũng thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa việc phát tán của chất độc cũng như bụi khí ra bên ngoài bằng cách sử dụng tất cả các hệ thống tường bao xung quanh và dùng hệ thống tiêu tẩy khử khuẩn chuyên dụng để phun hơi nước.

Kết thúc quá trình làm việc, các cán bộ, chiến sĩ tham gia xử lý chất độc đều phải vào khu cách ly thay bảo hộ lao động và tiêu tẩy trước khi trở về khu vực ăn uống, nghỉ ngơi. Khu vực thi công dự án cũng được khoanh vùng chặt chẽ, cảnh giới để người dân không đi lại, đến gần các điểm xử lý chất độc”, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hiếu, Trợ lý Phòng Công nghệ xử lý môi trường, Viện Hóa học môi trường quân sự thông tin.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới nói rằng, xử lý triệt để ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So là niềm mong ước nhiều năm qua của lãnh đạo chính quyền và người dân sinh sống tại địa phương. Việc triển khai thực hiện dự án Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và con người tại xã Đông Sơn nói riêng và huyện A Lưới nói chung.

Sau khi vùng đất A So được hoàn tất xử lý chất độc dioxin, huyện sẽ triển khai thực hiện các giải pháp, chương trình để hồi sinh vùng đất này. Qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thừa Thiên – Huế: Đẩy nhanh tiến độ xử lý đất tồn dư dioxin tại Sân bay A So