Thừa Thiên – Huế: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 14 giờ ngày 27/12

Hoàng Dũng|27/12/2018 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Văn phòng thường trực ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có công điện số 08/CĐ-PCTT hồi 14 giờ ngày 26/12/2018 về việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết.

>>> Việt Nam thuộc khu vực có nguy cơ cao xảy ra sóng thần

>>> Sa Pa: Nhiệt độ giảm sâu, mưa rét trong 3 ngày đầu tháng 1/2019

Trích nội dung công điện

Theo nhận định từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay có không khí lạnh rất mạnh đang di chuyển xuống nước ta. Do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh với hội tụ gió trên cao và sau đó là áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão từ ngoài biển Đông di chuyển vào nên từ ngày 27 đến ngày 30/12 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to trên diện rộng. Trên khu vực Biển Đông sẽ liên tục xuất hiện gió mạnh, sóng lớn, nước dâng, biển động rất mạnh.

Do đó, để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết nhất là mưa lớn cuối năm, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã và thành phố Huế; các sở, ban ngành trong tỉnh triển khai các nội dung: Cấm tất cả các tàu thuyền (bao gồm cả thuyền bãi ngang ven biển) ra khơi từ 14 giờ 00 ngày 27/12/2018.

Thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Rà soát, kiểm tra và triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển; toàn bộ các khu dân cư thấp trũng; khu vực ngập úng đô thị; các nhà cao tầng có tầng hầm chú ý chuẩn bị phương tiện, thiết bị đấu úng, phương án di chuyển các xe máy lên khu vực cao hơn; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện.

Chủ đầu tư các công trình đang thi công dỡ dang ven biển, trên đất liền có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; bố trí biển báo, lực lượng ứng trực, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công, khơi thông dòng chảy hạn chế ngập úng.

Các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ; thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt và Lệnh vận hành hồ chứa của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du (đặc biệt là thủy điện A Lưới và hồ Hương Điền), tuân thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ này; đối với các hồ chứa nước đã tích đầy nước các chủ đập tăng cường kiểm tra, tuần tra đảm bảo an toàn hồ chứa và an toàn cho nhân dân khu vực hạ du. Các đoạn ngầm bị ngập tràn, bố trí lực lượng ứng trực hướng dẫn người và phương tiện qua lại an toàn…

Các địa phương triển khai các phương án chống úng cho hoa màu vụ Đông, chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019. Lực lượng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và các địa phương sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra./.

Hoàng Dũng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 14 giờ ngày 27/12