Nghiên cứu dựa trên phân tích nền và lập bản đồ tài nguyên do Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) khẳng định, nếu được khai thác triệt để Việt Nam có thể tạo ra công suất lên tới 160GW năng lượng tái tạo, thay thế điện than truyền thống.
Hiện công suất phát điện của Việt Nam ở vào khoảng 54GW và chính phủ đang xây dựng kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng, lên 130GW trong vòng thập kỷ tới. Theo đánh giá của các chuyên gia Đan Mạch, công nghệ điện gió ngoài khơi có thể chứng minh là một phương án hấp dẫn và khả thi để thực hiện bước nhảy vọt đó.
Ông Erik Kjær, cố vấn cao cấp của DEA nói, Việt Nam may mắn có đường bờ biển rất dài và tốc độ gió tốt. Do vậy nếu đề ra các mục tiêu và khung chính sách phù hợp thì tiềm năng là rất lớn, khi công nghệ có thể đóng góp rất lớn vào việc cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường từ nguồn cung cấp điện hiện nay
“Mặc dù có thể sẽ không cần tới nhiều nguồn năng lượng như vậy trong một hệ thống năng lượng quốc gia đa dạng, nhưng quy mô khổng lồ sẽ khiến chính phủ và các nhà đầu tư Việt Nam có lý do để thúc đẩy công nghệ”, giám đốc Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu khu vực châu Á Liming Qiao nhận xét.
Điện gió Bạc Liêu – Ảnh minh họa
Theo bà Qiao, lợi thế tuyệt đối này có thể đưa Việt Nam trở thành vị trí thủ lĩnh trong khu vực Đông Nam Á khi đầu tư vươn xa hơn, thay vì tập trung vào ven bờ lẻ tẻ như hiện nay.
Theo báo cáo hồi tháng 3 của nhóm tác giả chuyên gia năng lượng tái tạo thì hiện Việt Nam đang có khoảng 14,7GW công suất năng lượng gió, bao gồm cả trên bờ và gần bờ. Dự đoán đến năm 2030, Việt Nam có thể sở hữu từ 10GW đến 12GW năng lượng gió ngoài khơi trực tiếp, chiếm khoảng một phần ba công suất điện gió ngoài khơi thế giới.
Hiện tại công nghệ điện gió ngoài khơi thế giới vẫn còn đang trong giai đoạn thích ứng sớm, với công suất lắp đặt khiêm tốn ở mức 29GW, phần lớn nằm ở Bắc Âu. Tại Đan Mạch, dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên được đưa vào tái khởi động vào năm 1991 và phải mất hàng thập kỷ để công nghệ tiên tiến này trở nên khả thi, sinh lời.
Theo các chuyên gia, thuận lợi hiện nay là giá thành xây dựng và vận hành các tuabin gió khổng lồ ở ngoài đại dương đang giảm mạnh khi có thêm nhiều dự án lớn chứng minh được hiệu quả và sự trưởng thành của ngành này được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí hơn nữa.
Trả lời những thắc mắc về tác động của bão đối với hoạt động điện gió ngoài khơi, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy gió ngoài khơi thường ổn định hơn so với trên bờ và mang lại độ tin cậy quanh năm.
“Điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác hiện là công nghệ hứa hẹn nhất trong việc thực hiện bù lấp các lỗ hổng của Thỏa thuận khí hậu Paris do chi phí năng lượng tái tạo đang giảm đáng kể và đây được coi là thời điểm tốt nhất để năng lượng tái tạo đóng vai trò lớn hơn trên thị trường”, bà Qiao cho biết.
Điện gió có thể giúp chấm dứt sự phụ thuộc của người Việt vào nhiên liệu hóa thạch, vốn vẫn là một rào cản lớn để nước này đạt được các mục tiêu biến đổi khí hậu. “Tôi nghĩ rằng, xét về góc độ kinh tế thì điện gió ngoài khơi sẽ cạnh tranh với than hoặc khí đốt trong vòng 5 năm tới ở Việt Nam”, một chuyên gia của công ty nghiên cứu phát triển năng lượng sạch và bền vững tại Hà Nội nói.
Với chỉ một dự án điện gió ngoài khơi được cấp phép để khảo sát (dự án Kê Gà ở tỉnh Bình thuận) năm 2019, Việt Nam đang dần hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp này ở nước ta.
Để triển khai điện gió ngoài khơi, Việt Nam tới đây cần xác định mục tiêu công suất năng lượng cho từng cụm dự án trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, xây dựng khung và các tiêu chí đánh giá ảnh hưởng môi trường – xã hội (ESIA).
Hồng Trang (T/h)