Tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam hấp dẫn, an toàn, tiết kiệm, thể hiện được tầm vóc lớn lao của thời đại

Phong Anh|06/12/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra đúng vào giai đoạn đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đòi hỏi công tác tổ chức phải làm sao khắc sâu ý nghĩa của sự kiện theo hướng đổi mới. Lễ kỷ niệm phải hấp dẫn, an toàn, tiết kiệm, phục vụ người dân tốt nhất nhưng vẫn thể hiện được giá trị lịch sử, tầm vóc lớn lao của thời đại.

Chiều 5/12, Ban Chỉ đạo Trung ương các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm (2023 – 2025) và Bộ Quốc phòng có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM về công tác chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Chủ trì buổi làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

6-kn.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã tổ chức thành công các sự kiện năm 2024. Đặc biệt, lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để lại ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Hiện, cả nước đang hướng tới 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, 2025 là năm có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, trong đó có sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện này thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất; cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và hiện nay đất nước hướng đến kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bộ Chính trị và Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác tổ chức lễ kỷ niệm, khắc sâu ý nghĩa của sự kiện theo hướng đổi mới. Lễ kỷ niệm phải hấp dẫn, an toàn, tiết kiệm, phục vụ người dân tốt nhất.

Theo đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị TP.HCM hoàn thiện đề án tổng thể hoạt động kỷ niệm giữa tháng 12, gửi Ban Tuyên giáo Trung ương trình Ban Bí thư cho ý kiến. Riêng hoạt động diễu binh, diễu hành, cần lưu ý nghiên cứu thêm để làm đặc sắc hình ảnh 5 cánh quân tiến về Sài Gòn 50 năm trước. Diễn văn cần phù hợp tình hình, bối cảnh công tác đối ngoại hiện tại. Hội thảo khoa học cấp quốc gia cần tìm chủ đề mới gắn với bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Tại buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị các bộ, ngành Trung ương và TP.HCM làm tốt nhất khả năng của mình, nỗ lực hơn nữa đáp ứng mong mỏi của chính những người đang còn sống đã hy sinh một phần xương máu của mình, cũng như tri ân những chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc, để đất nước có được hòa bình, thống nhất, phát triển như ngày hôm nay.

Tiếp thu ý kiến, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TP.HCM đã chuẩn bị từ sớm cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến giờ này, cơ bản Thành phố đã hoàn thành các đầu việc được giao.

Ông Nguyễn Văn Nên khẳng định sự kiện 30/4/1975 có ý nghĩa lịch sử mang tầm vóc lớn lao, mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ sự kiện lịch sử này, đất nước bước vào kỷ nguyên thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, sau 50 năm, lễ kỷ niệm này đúng vào giai đoạn đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Với ý nghĩa lịch sử đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý, trong công tác tổ chức, phối hợp, xây dựng kịch bản các chương trình kỷ niệm... phải thể hiện được giá trị lịch sử, tầm vóc lớn lao của thời đại.

Ông Nên cũng nhấn mạnh công tác chuẩn bị diễu binh, diễu hành là khâu rất quan trọng, vì vậy phải tận dụng, khai thác tối đa khoa học công nghệ để truyền dẫn trực tiếp, đưa hình ảnh diễu binh, diễu hành đến với người dân một cách sinh động, trực quan nhất.

Trước đó, báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết đây là hoạt động có quy mô cấp quốc gia, do Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP.HCM tổ chức. Theo đó, có 15 nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành và TP.HCM, trong đó TP.HCM trực tiếp chủ trì 8 nhiệm vụ.

Đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tổ chức và các tiểu ban của TP.HCM đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ; phát động phong trào thi đua và tổ chức nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm.

Trong chuỗi các hoạt động, TP.HCM xác định công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho người có công và thân nhân người có công không chỉ đối với diện chính sách của thành phố mà còn nhiều nơi trong cả nước, là trách nhiệm và đồng thời là đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Bên cạnh việc tổ chức chăm lo về đời sống vật chất, thành phố đẩy mạnh các hoạt động trùng tu, tôn tạo các nghĩa trang, di tích lịch sử, đồng thời sửa chữa, xây dựng mới 140 nhà tình nghĩa, nhà tình thương...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam hấp dẫn, an toàn, tiết kiệm, thể hiện được tầm vóc lớn lao của thời đại
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.