Tổng hợp những thảm họa tồi tệ trên Thế giới năm 2018

24/12/2018 07:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Năm 2018 thế giới chứng kiến những thảm họa thiên tai cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và gây nên những thiệt hại vật chất khổng lồ. Sau đây cùng Môi trường và Cuộc sống nhìn lại những thảm họa khủng khiếp của thế giới trong 1 năm vừa qua.

>>>Miền Bắc lạnh rét trong đêm Noel

>>>Hạ thủy tàu chở khách tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn đạt vận tốc lên đến 35 hải lý/giờ

Nắng nóng và lụt lội kỷ lục tại Nhật Bản

Nhiệt độ 41,1 độ C tại TP Kumagaya chính là mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Nhật Bản. Ít nhất 65 người chết và khoảng 22.000 người phải nhập viện đã khiến đợt nắng nóng mùa hè năm 2018 bị chính phủ Nhật liệt vào danh sách thảm họa tự nhiên.

Trong khi đó, vào cuối tháng Sáu tới giữa tháng Bảy, khu vực tây nam Nhật Bản lại phải hứng chịu nạn lụt nghiêm trọng, khiến 225 người chết và hơn 13 người vẫn đang mất tích. Tỉnh Hiroshima chịu ảnh hưởng lớn nhất với lượng mưa lên tới 583mm.

Động đất và sóng thần tại Indonesia

Indonesia có một năm 2018 đầy “vất vả” khi các thiên tai liên tiếp giáng xuống. Hồi tháng Tám, trận động đất 6,9 độ rich-te đã gần như “san bằng” toàn hòn đảo Lombok của Indonesia. Khoảng 550 người đã bị chết, 353.000 người mất nhà cửa và hơn 13.000 ngôi nhà bị phá hủy. Ngay sau trận động đất, người ta đã ghi nhận được thêm ít nhất 120 dư chấn.

Một tháng sau đó, hòn đảo Sulawesi đã phải gánh chịu một trận động đất 7,5 độ rich-te và ngay sau đó là một trận sóng thần, khiến ít nhất 1.700 người thiệt mạng. Và mới đây nhất, một trận sóng thần đã bất ngờ ập vào đảo Java vào tối ngày 22/12. Con số thương vong ước tính sẽ không dừng lại ở con số 200 người.
Lũ lụt tại Ấn Độ

800.000 người đã phải sơ tán khi trận lụt tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ trở lại đây của Ấn Độ, đã ập đến bang Kerala đầu tháng Tám. Ít nhất 350 người thiệt mạng và hơn 10.000 km đường bị phá hủy. Tổng thiệt hại mà bang này phải gánh chịu ước tính lên tới 3 tỷ USD.

Hạn hán tại Australia

Trận hạn hán tại New South Wales gây chú ý khi 100% lãnh thổ toàn bang được xác nhận là bị ảnh hưởng. Người dân Australia cho biết, đây là trận hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử 100 năm trở lại đây, và cho tới tận thời điểm hiện tại, những nỗ lực khắc phục hậu quả của nó vẫn chưa chấm dứt.

Cháy rừng California

Ít nhất 88 người bị chết, 1.011 người mất nhà cửa và 10.321 hạ tầng cơ sở bị thiêu hủy trong trận cháy nghiêm trọng nhất trong lịch sử bang California, Mỹ. Chính quyền Mỹ đã phải tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia tại khu vực này; và hàng tháng sau khi trận cháy kết thúc, công cuộc dọn dẹp và khôi phục vẫn đang tiếp diễn.

Cháy lớn tại Hy Lạp

Trận cháy tại thị trấn Mati phía đông Athens là một trong những thảm họa cháy lớn nhất của lịch sử Hy Lạp, với ít nhất 83 người thiệt mạng và hơn 500 ngôi nhà bị phá hủy. Người dân cố gắng chạy trốn khỏi đám cháy, tuy nhiên, con đường duy nhất dẫn ra khỏi thị trấn lại bị lửa bịt kín. Trong những câu chuyện rơi nước mắt từ trận cháy, bao gồm cả trường hợp 36 thi thể đang ôm nhau, được cứu hộ tìm thấy ở địa điểm chỉ còn cách bờ biển vài mét.

Siêu bão Florence

Là một trong những trận bão lớn đầu tiên tại khu vực Đại Tây Dương trong năm 2018, bão Florence khiến hơn 370.000 người tại Bắc và Nam Carolina, Mỹ hoàn toàn sống trong tình trạng bị cắt điện. 53 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương là những thống kê đau lòng khác khi trận bão qua đi.

Các chuyên gia môi trường cho rằng diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt và hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) làm Trái Đất ấm dần lên, gây băng tan và mực nước biển tăng cũng khiến nhiều khu vực hứng chịu các cơn bão mạnh, mưa lũ bất thường, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng và lạnh giá kỷ lục. “Hiện chính phủ mới nhận ra sự cần thiết của việc giảm thiếu các tác động gây ra bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu” – theo Giáo sư danh dự Takashi Okuma, chuyên nghiên cứu thiên tai tại ĐH Niigata (Nhật). Cũng theo giới chuyên gia, các chính sách tái trồng rừng tại Nhật Bản làm cho nhiều đồi núi bị chặt hết cây cũ, thay bằng những cây mới có rễ ít có khả năng giữ nước, điều này làm trầm trọng hơn tình trạng sạt lở đất.

Trong bối cảnh hàng loạt sự kiện thiên tai bất thường diễn ra với tần suất dày hơn, việc ứng phó với BĐKH để giảm nhẹ rủi ro thiên tai thảm họa không chỉ là trách nhiệm của một quốc gia, mà phải là sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã cảnh báo thế giới về nguy cơ cộng đồng quốc tế đi chệch hướng mục tiêu Hiệp định Paris, đồng thời kêu gọi các nước cần làm nhiều hơn nữa, hành động nhanh hơn nữa để đảo ngược xu hướng khí phát thải hiện nay nhằm thực hiện mục tiêu giảm 1,5 độ C đến năm 2020.

Bà Helen Clark – nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng giám đốc UNDP, cho biết, thay vì thực hiện việc kìm hãm sự nóng lên của toàn cầu ở dưới 2 độ, hiện các quốc gia lại đang có xu thế vận hành làm cho nhiệt độ toàn cầu tăng lên hơn 3 độ C. Theo bà Clark, điều này là một thảm họa của thế giới, vì thế mọi quốc gia phải có cam kết quả quyết hơn, mạnh mẽ hơn đối với giảm phát thải khí nhà kính, nguyên nhân dẫn tới BĐKH.

Hoài Thương (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng hợp những thảm họa tồi tệ trên Thế giới năm 2018