TP.HCM: Thúc đẩy tiến độ khởi công các dự án chuyển đổi đốt rác phát điện

Thanh Thanh|09/07/2024 10:47
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hiện tại, TP.HCM mới có 2/5 dự án xử lý rác hiện đại được duyệt chủ trương đầu tư.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về kết quả thực hiện Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Về quy hoạch, TP.HCM định hướng đầu tư 5 khu xử lý chất thải rắn gồm: khu công nghệ Môi trường xanh (H.Thủ Thừa, Long An) rộng 200 ha, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (H.Củ Chi) rộng 822 ha, khu Đa Phước (H.Bình Chánh) rộng 614 ha cùng 2 khu xử lý chất thải sinh hoạt cho TP.Thủ Đức và H.Cần Giờ.

Theo nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%. Để thực hiện mục tiêu này, TP.HCM kêu gọi 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải nhưng hiện mới có 2 dự án có quyết định chủ trương đầu tư gồm Công ty CP Vietstar (công suất 2.000 tấn/ngày) và Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày). Hiện 2 doanh nghiệp này đang làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

tphcm-nha-may-dot-rac.jpg
Hiện tại, TP.HCM mới có 2/5 dự án xử lý rác hiện đại được duyệt chủ trương đầu tư

Cùng với đó, 3 doanh nghiệp khác đang thực hiện các thủ tục pháp lý gồm Công ty CP Tasco, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam và Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM. Sau gần 4 năm nhưng các dự án vẫn loay hoay khâu thủ tục, Sở TN&MT đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành chỉ tiêu xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại vào năm 2027.

Đối với các dự án chuyển đổi đốt rác phát điện, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Bùi Xuân Cường đã đề nghị thúc đẩy tiến độ khởi công, tập trung triển khai các dự án đã có chủ trương đầu tư, trong tháng 7/2024 khởi công 2 nhà máy đã được cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời, tiếp tục triển khai chuyển đổi các dự án từ chôn lấp sang thu hồi năng lượng.

Ông Cường cũng thông tin, hiện TP.HCM đã kiện toàn Ban chỉ đạo triển khai phân loại và quản lý chất thải rắn. Sở TN&MT cho biết, từ năm 2021, TP.HCM phân loại thành 2 nhóm chính: nhóm có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại. Tuy nhiên, luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ năm 2025 phải phân loại thành 3 nhóm gồm: nhóm có thể tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Để thực hiện yêu cầu này, Sở TN&MT đang phối hợp các địa phương rà soát lại hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động lưu giữ, vận chuyển. Thời gian tới, TP.HCM sẽ rà soát, đánh giá toàn diện lại việc thu gom, xử lý cho đồng bộ. Đồng thời xem xét hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường, gắn với kinh phí liên quan đến đầu tư phương tiện thu gom, vận chuyển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP.HCM: Thúc đẩy tiến độ khởi công các dự án chuyển đổi đốt rác phát điện