Ngày 18/7, tại cuộc họp báo thường kỳ tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh, ông Tống Viết Thành, Phó phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện đang có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH từ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt rác không phát điện sang công nghệ đốt rác phát điện, tái chế.
Cụ thể, gồm các dự án của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Vietstar, Công ty Tasco, Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).
Trong thời gian qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Vietstar (Công ty Vietstar) và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Công ty Tâm Sinh Nghĩa) thực hiện các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng nhà máy chuyển đổi công nghệ sang đốt phát điện như bổ sung dự án vào danh mục các dự án nguồn điện sản xuất từ rác trong kế hoạch quy hoạch điện VIII, kiến nghị Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Theo đó, ngày 5/7, Sở Xây dựng đã cấp Giấy phép xây dựng cho Công ty Tâm Sinh Nghĩa giai đoạn 1 của dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa. Dự án này theo kế hoạch sẽ được khởi công xây dựng vào ngày 20/7, công suất 2.000 tấn/ngày.
Đối với Công ty Vietstar thì đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan về thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy đối với thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật để thực hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng dự án nhà máy đốt phát điện.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, đối với dự án Nhà máy xử lý - tái chế chất thải rắn 500 tấn/ngày của Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi (Công ty Tasco), cuối tháng 4/2023, công ty này đã nộp hồ sơ để Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét và làm việc với các sở, ngành liên quan để trình UBND TP Hồ Chí Minh cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đang thực hiện hồ sơ dự án đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thực hiện điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư và thủ tục cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt phát điện.
Hiện nay, TP.HCM đang kêu gọi đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng với công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) theo phương thức hợp tác công tư (PPP).
Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.