Các địa phương giảm ô nhiễm kênh rạch
TP.HCM có khoảng 2.000km kênh, rạch có chức năng phục vụ giao thông đường thủy, tiêu thoát nước. Tuy nhiên, nhiều tuyến kênh, rạch đang bị ô nhiễm bởi rác thải; đồng thời lục bình, cỏ dại phát triển đã ngăn cản dòng chảy, gia tăng ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM, thời gian qua, TP.HCM đã triển khai các giải pháp ngăn chặn nguồn xả thải ô nhiễm xuống kênh, rạch. Thành phố đã tổ chức giám sát và quản lý chặt chẽ việc phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp, không để xảy ra tình trạng bỏ chất thải rắn công nghiệp bừa bãi trên đường phố hoặc kênh, rạch, cũng như tình trạng tái chiếm và làm ô nhiễm hành lang sông, kênh, rạch.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, mỗi ngày, đơn vị vớt khoảng 10 tấn rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Việc duy trì vớt rác sẽ kịp thời ngăn chặn ô nhiễm, đảm bảo chất lượng nguồn nước kênh rạch, đồng thời góp phần giảm ngập nước và phát triển giao thông, du lịch đường thủy…
Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ TP.HCM về cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, TP.HCM đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc không xả rác xuống kênh, rạch. Đồng thời, các quận, huyện, TP. Thủ Đức đã triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý các ý kiến của người dân về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch. Thực hiện công tác tổng vệ sinh xung quanh khu vực đang hoạt động, sinh sống và thu gom, vớt rác, khai thông cống rãnh, phát hoang cỏ dại… Đến nay, nhiều địa phương đã xóa các điểm đen về rác, đồng thời tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân, hạn chế tình trạng xả rác xuống sông, kênh, rạch như trước đây.
Ông Lê Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND phường 13 (quận Gò Vấp) cho biết, triển khai Chỉ thị 19, từ năm 2019 đến nay, phường đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh, rạch. Đồng thời, các lực lượng chức năng của phường cùng với người dân đã thực hiện nhiều buổi ra quân chỉnh trang đô thị, tổng vệ sinh môi trường, vớt rác, phát quang bụi rậm dọc các tuyến kênh, rạch.
Tăng cường xử lý vi phạm môi trường
Bảo vệ, cải tạo và phát triển cảnh quan các tuyến kênh rạch đang là vấn đề được TP.HCM quan tâm nhằm giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập, góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại môi trường sống trong lành cho người dân. Vì vậy, TP.HCM đã đặt ra nhiều nhiệm vụ để thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, TP.HCM sẽ tăng cường quản lý, giữ gìn chất lượng vệ sinh môi trường trên đường phố, vỉa hè, cầu cống, hầm ga, cửa xả và các tuyến kênh rạch trên địa bàn. Đồng thời, TP.HCM sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, triển khai nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính đối với công tác vệ sinh môi trường, công trình lấn chiếm kênh rạch.
Cạnh đó, TP tiếp tục duy trì phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường nhanh chóng, kịp thời.
TP sẽ duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới. TP sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trước tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi, không đúng quy định dẫn đến không đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường và trật tự đô thị trên địa bàn, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của các tuyến sông, kênh rạch.
Sở TN&MT TP.HCM được phân công tổ chức giám sát chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Theo đó, sở này sẽ kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất đối với các điểm tập kết rác, trạm trung chuyển, chất lượng vệ sinh đường phố, kênh rạch, việc giải quyết các điểm ô nhiễm về rác thải, quản lý thùng rác công cộng và nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn.
Hoàng Anh