TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng thành phố thành đô thị thông minh

20/05/2017 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Cộng hưởng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (từ năm 2011), số lượng thành phố trên thế giới triển khai xây dựng đô thị thông minh ngày càng nhiều như Niu-Oóc, Pa-ri, Bác-xê-lô-na, Tô-ki-ô, Xơ-un,…

Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh

Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự phát triển của TP Hồ Chí Minh cũng không thể nằm ngoài xu hướng tiếp cận này. Theo định hướng đó và khát vọng đưa TP Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm của khu vực châu Á. Từ năm 2015, thành phố đã tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh với nền tảng kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở, tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện bảy chương trình đột phá của thành phố và các bức xúc, trăn trở của người dân.

Giai đoạn 2017 – 2020, thành phố hướng đến mục tiêu tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước; tăng cường sự kết nối giữa các lĩnh vực; nâng cao chất lượng sống và làm việc; quản trị đô thị thông minh; nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo.

Từ sau năm 2020, thành phố sẽ phát triển đô thị thông minh ở mức cao hơn, đó là gắn kết người dân, giúp người dân tương tác với chính quyền mọi lúc mọi nơi và tham gia vào các quyết sách của thành phố; gắn kết các lĩnh vực chính quyền giúp nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và phục vụ người dân, tiết kiệm nguồn lực, chi phí; dữ liệu mở nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của chính quyền thành phố; tăng cường khả năng dự báo và ứng phó với tình hình ngập nước, từ đó giảm thiểu tác động tới cuộc sống của người dân; nâng cao chất lượng môi trường thông qua việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải; chủ động kiểm soát và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tạo thuận lợi và thoải mái cho người dân khi di chuyển trong thành phố; giảm tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân, chủ động phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, hàng hóa hướng đến quản lý quá trình chuỗi cung ứng; kiểm soát tình hình an ninh trật tự, nâng cao hiệu quả công tác ứng cứu khẩn cấp; chủ động phòng, chống tội phạm hiệu quả; tạo môi trường thể chế thuận lợi, kết hợp dữ liệu mở thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tri thức.

Các mục tiêu này sẽ phục vụ ba đối tượng chính của đô thị thông minh. Thứ nhất, đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đặt nền móng về kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu để tăng hiệu quả quản lý nhà nước trên các mặt và lĩnh vực hoạt động. Thứ hai, đối với người dân, đô thị thông minh tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tăng cường các tiện ích phục vụ cho người dân. Thứ ba, với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác và thu hút đầu tư cho thành phố.

Việc triển khai xây dựng đô thị thông minh là một lộ trình dài hạn và được lấy ý kiến của nhiều đơn vị từ các sở, ban, ngành cũng như của Hội đồng tư vấn, HÐND và nhân dân thành phố. Theo tình hình thực tế, các khung công nghệ sẽ được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi sao cho phù hợp nhất với nguyện vọng của người dân. Trong thời điểm hiện tại, các giải pháp của đô thị thông minh sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực cải cách hành chính, giao thông, y tế, an ninh, giáo dục, môi trường, ngập nước, quy hoạch và phát triển đô thị.

Việc triển khai xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian tới. Ðây là giải pháp mang tính cấp thiết và căn cơ giúp thành phố giải quyết những mặt trái của cơ chế thị trường, đô thị hóa và hỗ trợ mạnh mẽ cho việc hiện thực hóa các mục tiêu của bảy chương trình đột phá. Bên cạnh đó, mô hình đô thị thông minh còn có ý nghĩa to lớn hơn ở cấp quốc gia, góp phần khẳng định vai trò và vị trí đầu tàu của thành phố trong nền kinh tế quốc gia, góp phần tạo bản lề cho thành phố phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tri thức.

Hiện nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố sẽ kiên trì thực hiện, nhằm đem đến cho người dân những trải nghiệm từ những thành tựu mà đô thị thông minh mang lại, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 10 đề ra là xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thảo Nguyên (Nhân Dân)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng thành phố thành đô thị thông minh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.