TP. Phúc Yên (Vĩnh Phúc) – Bài 2: Sai phạm “bức tử” hồ Đại Lải, trách nhiệm của cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc ở đâu?

Hồng Anh|05/07/2020 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mặc dù, những sai phạm tại hồ Đại Lải đã được Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ ra. Tuy nhiên, không hiểu vì sao cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc lại không có động thái vào cuộc xử lý quyết liệt vấn đề này khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Trước đó, như đã thông tin, trong quá trình thực hiện các dự án ven hồ, các doanh nghiệp đã có nhiều vi phạm khiến hồ Đại Lải đang bị xâm hại một cách không thương tiếc. Suốt chiều dài gần 1 km, hàng chục nghìn khối đất được bạt từ quả đồi ngay sát cạnh đổ thẳng xuống mép hồ biến thành một công trường xây dựng khổng lồ. Đất đồi đỏ quạch được những chiếc máy xúc, máy ủi san gạt thẳng xuống lòng hồ. Hiện, một diện tích đất rộng lớn đến nhiều ha đã được san gạt phẳng với mức cốt cao hơn mặt hồ chừng 2m.

Làm rõ sai phạm

Khi phát hiện hàng loạt sai phạm xâm chiếm lòng hồ Đại Lải, Tổng cục Thủy lợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

Theo kết luận kiểm tra số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20/2/2020 của Tổng Cục Thủy Lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc), đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, diễn ra trong nhiều năm, cho đến nay, tổng diện tích mặt hồ đã bị các doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án bồi lấp hàng trăm ha mặt nước so với thiết kế ban đầu.

Kết luận kiểm tra nêu rõ, việc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.

Hồ Đại Lải đang bị “bức tử”, khối đất được bạt từ quả đồi ngay sát cạnh được san gạt phẳng với mức cốt cao hơn mặt hồ chừng 2m.

Ngoài ra, việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới MNDBT (mực nước dâng bình thường) (diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế) làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi vi phạm khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai và khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai.

Kết luận cũng đã chỉ rõ các doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Lải, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đạt Tiến) đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ… trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, thực hiện các hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.

Để bảo đảm an toàn cho công trình hồ Đại Lải và bảo vệ chất lượng nước hồ chứa, thực hiện quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật khác liên quan, Tổng Cục Thủy Lợi đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương kiểm tra những sai phạm của các doanh nghiệp và có biện pháp xử lý.

Buông lỏng quản lý, doanh nghiệp ” nhờn” luật

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, sau kết luận số 253 của Tổng cục Thủy lợi, UBND TP Vĩnh Yên đã chỉ đạo kiểm tra, yêu cầu dừng hoàn toàn việc đổ đất san lấp lòng hồ Đại Lải từ cốt 23 trở xuống; một số nội dung trong kết luận như xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm; UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo Bộ NN&PTNT trước ngày 30/3/2020. Điều đáng nói, cho tới nay những chỉ đạo này vẫn chưa được thực hiện.

Ngày 17/4/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra tình hình hoạt động xây dựng các công trình xung quanh hồ Đại Lải. Theo quyết định này thì thời hạn kiểm tra là 30 ngày, trong tháng 5/2020 đoàn kiểm tra phải có báo cáo làm rõ các sai phạm, xác định trách nhiệm của đơn vị, cá nhân và đề xuất biện pháp xử lý. Tuy nhiên, tới nay đã gần 3 tháng trôi qua, đoàn kiểm tra vẫn chưa ban hành được kết luận thanh tra.

Liên quan tới những sai phạm trong vụ việc này, Báo Giao Thông thông tin về tài liệu Quyết định 41/QĐ-UBND ngày 5/11/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải cho Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam.

Nhiều dự án lớn được triển khai quanh hồ thủy lợi Đại Lải.

Theo quyết định này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam triển khai dự án với diện tích được quy hoạch lên tới 156,9ha xây dựng Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô dân số khoảng 4.500 người. Tại quyết định phê duyệt quy hoạch này, bao gồm nhiều loại đất như đất thương phẩm, công trình công cộng, đất giao thông, đất trồng cây xanh… trong đó diện tích lớn nhất là đất ở với 603.940m2 (chiếm 38,48%).

Đối với quy hoạch kỹ thuật của dự án, quyết định nêu rõ: “San nền: Đảm bảo nguyên tắc san nền cục bộ đối với từng khu đất nhằm giữ nguyên địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa khối lượng thi công do đào đắp, san nền đồng thời có các giải pháp kè chắn đất, gia cố mái dốc. Thiết kế san nền thấp nhất 17,65m tại khu vực phía Tây Nam giáp hồ Đại Lải…”.

Theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất tỷ lệ 1/500, phạm vi giao đất xây dựng biệt thự có diện tích dưới cao trình mực nước dâng thường xuyên gồm các mảnh số 2 OBT 63, 64, 66; mảnh số 3 OBT 58, 61, 62 và mảnh số 7 OBT 35, 38.

Ông Nguyễn Đắc Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế – Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) giải thích, phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập (+23m) trở xuống phía lòng hồ. Theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2012 của Bộ NN&PTNT ban hành quy chuẩn quốc gia thì: Vùng ngập thường xuyên của hồ chứa nước Đại Lải là vùng mặt đất của lòng hồ nằm từ cao trình mực nước dâng bình thường (+21.50m) trở xuống. Vùng bán ngập của hồ được tính từ cao trình mực nước dâng bình thường (21.50m) đến cao trình mực nước lũ kiểm tra (+22.50m).

Như vậy, với việc cấp phép cho Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đổ đất san lấp tới cốt nền thấp nhất là 17,65m, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đổ đất san lấp tới lòng hồ Đại Lải.

Liên quan tới những sai phạm trong vụ việc này, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cử cán bộ phối hợp với Tổng cục thực hiện xử lý vi phạm hồ chứa nước Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chiều 1/7, đoàn công tác liên ngành Tổng cục Thủy lợi và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường do ông Nguyễn Đắc Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế – Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi) làm trưởng đoàn đã tới Vĩnh Phúc làm việc với các cơ quan chức năng liên quan về vụ việc.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Long phê bình các cơ quan chức năng liên quan chậm trễ trong việc xử lý các doanh nghiệp sai phạm ở hồ Đại Lải.

Ông Long đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có văn bản đôn đốc Ủy ban nhân dân Thành phố Phúc Yên sớm ra quyết định xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp vi phạm.

Hồ Đại Lải thuộc địa bàn xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 1.384 ha diện tích đất nông nghiệp, cấp nước thô cho công nghiệp, nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phòng chống lũ lụt cho hạ du và phát triển du lịch.

Hồ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân giao nhiệm vụ quản lý cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc từ tháng 5/2018. Là đập thủy lợi có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực, các hành vi ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi… làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi đều bị nghiêm cấm theo Điều 8, Luật thủy lợi.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng quyết liệt vào cuộc, đánh giá sai phạm và có biện pháp cưỡng chế để trả lại nguyên trạng mặt hồ Đại Lải tránh để vi phạm kéo dài khiến doanh nghiệp “nhờn” luật gây bức xúc trong dư luận.

Hồng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Phúc Yên (Vĩnh Phúc) – Bài 2: Sai phạm “bức tử” hồ Đại Lải, trách nhiệm của cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc ở đâu?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.