(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 25/11, Trưng bày Voi ở Tây Nguyên đã được khai mạc trang trọng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đây là Lần đầu tiên một trưng bày về văn hóa của một số dân tộc ở Tây Nguyên thông qua hình ảnh con voi được giới thiệu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm Bảo tàng đến với công chúng (1997 – 2017).
Triển lãm “Voi ở Tây Nguyên” tại Bảo tàng Dân tộc học
Với 40 hiện vật, 38 bức ảnh và phim video cùng hệ thống các bài viết được sắp xếp trưng bày theo 6 chủ đề: Tập tính của voi; Bắt và thuần dưỡng voi rừng; Chăm sóc voi; Voi trong đời sống kinh tế; Voi trong đời sống xã hội; Voi trong đời sống văn hóa… triển lãm đã thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.
Trưng bày phản ánh vai trò của voi trong đời sống, văn hóa, xã hội cũng như những tri thức dân gian về việc bắt và thuần dưỡng voi ở Tây Nguyên. Những câu chuyện được chia sẻ qua các giọng nói của người dân ở Tây Nguyên cho thấy voi là một phần trong đời sống văn hóa Tây Nguyên, sự thay đổi vai trò của voi từ làm phương tiện vận chuyển hàng hóa, kéo gỗ sang việc chủ yếu phục vụ khách du lịch đóng góp kinh tế cho địa phương.
Tây Nguyên không những là địa bàn sinh sống của voi rừng mà còn nổi tiếng có nhiều voi nhà. Với nhiều tộc người ở đây, nhất là người Mnông, Êđê, Giarai, voi không chỉ là một tài sản lớn mà còn được coi là thành viên trong gia đình và có vai trò quan trọng trong đời sống, văn hóa, xã hội của cộng đồng.
Bắt và thuần dưỡng voi rừng là một nghề truyền thống của người Mnông ở Buôn Đôn (Đắk Lắk). Những năm đầu 90 của thế kỷ XX, Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về bảo vệ động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt diệt, nhiều loài, trong đó có voi, được ghi vào Sách đỏ, cấm săn bắn nên người dân cũng không còn săn bắt voi. Mặc dù vậy,rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, môi trường sống của voi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thêm vào đó là nạn săn trộm để lấy ngà, lấy lông đuôi, số lượng voi ở Tây Nguyên giảm đến mức báo động.
Vì vậy, công tác bảo tồn voi được nhiều tổ chức quan tâm, vai trò của cộng đồng, nhất là các địa phương đang có voi, rất quan trọng. Tri thức về thuần dưỡng cũng như chăm sóc, sử dụng voi vẫn còn sống động trong ký ức của nhiều người. Đó là những giá trị văn hóa cần được lưu giữ.
Cùng với trưng bày “Voi ở Tây Nguyên”, trong thời gian từ nay đến tháng 12/2017, Bảo tàng tiếp tục tổ chức một số hoạt động giáo dục dành cho công chúng, như: hoạt động khám phá trưng bày, các buổi thuyết trình, trình diễn của người Mnông…
Gia Hân (t/h)