Trưng bày và trao trả hơn 200 hồ sơ chứng tích chiến tranh cho các gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh
Tại buổi Trưng bày tài liệu “30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ”, Đại học Texas Tech – Hoa Kỳ tổ chức trao trả hơn 200 hồ sơ, dữ liệu chứng tích chiến tranh cho các gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh.
Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ và kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), ngày 10/7, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Trưng bày tài liệu “30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ”.
Cũng nhân dịp này, Trung tâm phối hợp với Hội Việt – Mỹ, Tổ chức "Trái tim Người lính", Câu lạc bộ "Mãi mãi tuổi 20" và Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech – Hoa Kỳ tổ chức trao tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III hơn 200 bộ hồ sơ, dữ liệu chứng tích chiến tranh để quản lý và tiếp tục trao trả cho các gia đình.
Với quyết tâm chính trị xuyên suốt của lãnh đạo hai nước, cùng nỗ lực không ngừng nghỉ của các tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình và ủng hộ hợp tác, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã vượt qua “khắc nghiệt của lịch sử”, khác biệt về chế độ chính trị để viết nên câu chuyện lịch sử “từ thù đến bạn”. Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ tin tưởng quan hệ song phương tiếp tục phát triển hiệu quả.

Cách đây 30 năm, đêm 11/7/1995 (giờ Hoa Kỳ), Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Rạng sáng 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.
Với mốc lịch sử đó, quá khứ được gác lại, chương mới được mở ra. Việc hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ trở thành tiền đề, tạo nền tảng và động lực mạnh mẽ để cả Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân...
Nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao giữa hai bên được tổ chức. Nhiều dấu mốc mới được thiết lập, trong đó có việc hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện 10 năm sau đó.
Việc hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ chuyển từ đối đầu sang đối thoại, từ cựu thù thành Đối tác chiến lược toàn diện còn được xem là hình mẫu trong nỗ lực vượt qua khác biệt, thúc đẩy hòa bình, hợp tác hướng tới tương lai. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh khẳng định, 30 năm qua là hành trình Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục xây dựng lòng tin và tăng cường hiểu biết.
Từ một trong những nội dung hợp tác đầu tiên là khắc phục hậu quả chiến tranh, rà soát bom mìn ở Việt Nam, trợ giúp người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, hay tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam, hai nước đã từng bước tạo dựng lòng tin, vun đắp quan hệ, tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Từ niềm tin chính trị được tăng cường, hai nước mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác khác. Điểm nhấn trên hành trình xây dựng và nâng tầm quan hệ hai nước phải kể đến thành tựu về hợp tác kinh tế. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, từ 500 triệu USD tại thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ sau 30 năm đã tăng khoảng 300 lần. Với Việt Nam, Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu cả về kinh tế lẫn hợp tác khu vực và quốc tế. Hoa Kỳ cũng coi Việt Nam có vai trò địa chiến lược rất quan trọng trong khu vực, nhất là tại ASEAN.
30 năm hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ không phải không có những khác biệt và thách thức, song hai nước đã liên tục vun đắp hiểu biết lẫn nhau và xây dựng các cơ chế đối thoại. Từ câu chuyện liên quan dân chủ, nhân quyền, lao động, hay năng lượng, môi trường, an ninh, an toàn hàng hải, hai nước đều có những cơ chế hợp tác và đối thoại.
Hợp tác khoa học-công nghệ, y tế, văn hóa, du lịch ngày càng mở rộng, thực chất hơn. Việt Nam liên tục đổi mới và hội nhập hiệu quả cũng tạo thêm năng lực, uy tín cho quốc gia tham gia các vấn đề quốc tế, từ chính trị, ngoại giao đến hợp tác kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Hoa Kỳ đi vào chiều sâu.
Với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, cùng thái độ đối thoại chân thành, thẳng thắn, xây dựng, trên nền tảng vững chắc đã được xây dựng suốt 30 năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đứng trước những cơ hội lớn để mở rộng hợp tác chiến lược thời gian tới.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định, hai nước có nhiều trụ cột hợp tác, trong đó, quan hệ kinh tế là rất quan trọng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tháng 5 vừa qua, Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư SelectUSA, chào đón đoàn Việt Nam gồm hơn 100 người tham dự. Quy mô đoàn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại song phương với Hoa Kỳ. Bên cạnh kinh tế, hợp tác giáo dục, y tế, quốc phòng cũng là trụ cột quan trọng của hợp tác hai nước.
Nhấn mạnh đến hợp tác công nghệ cao, Đại sứ Knapper khẳng định, Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện (tháng 9/2023) là một thành tựu lịch sử, trong đó hai bên nhấn mạnh hợp tác công nghệ cao và nhất là ngành bán dẫn. Hai nước nhận thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng và sẵn sàng vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu về sản xuất công nghệ cao.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cam kết đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhân lực Việt Nam để đáp ứng nhu cầu về lao động, với mục tiêu giúp Việt Nam đóng vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong chuỗi giá trị công nghệ cao và hiện thực hóa tiềm năng trở thành trung tâm bán dẫn khu vực và toàn cầu.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa phát triển mới. Những chính sách, cải cách của Việt Nam thời gian qua nhận được sự quan tâm lớn của giới doanh nhân Hoa Kỳ, gia tăng niềm tin về một Việt Nam là đối tác uy tín, một thị trường và trung tâm sản xuất, nhất là sản xuất công nghệ cao.
Theo Đại sứ Knapper, việc Việt Nam sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp sẽ thúc đẩy việc ra quyết định, cấp phép và phê duyệt các dự án đầu tư hiệu quả hơn. Cùng với đó, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, tầm quan trọng của công nghệ cao và hạ tầng kỹ thuật số được thúc đẩy cũng giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn.
Trưng bày “30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ” khai thác nguồn tư liệu phong phú từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ, các nhân chứng lịch sử. Nội dung trưng bày phản ánh những dấu mốc quan trọng, nỗ lực hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, quốc phòng... Trưng bày không chỉ tái hiện chặng đường 30 năm hình thành và phát triển quan hệ Việt - Mỹ, mà còn gửi đi thông điệp về một tương lai hợp tác ổn định, cùng hướng tới hòa bình và thịnh vượng.

Đặc biệt, trưng bày giới thiệu nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố, tiêu biểu như: Các văn bản liên quan đến tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; Tuyên bố của Tổng thống William Jefferson Clinton về việc thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam, công bố tại Nhà Trắng ngày 11/7/1995, hiện lưu giữ tại Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ; Tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 12/7/1995 về quyết định bình thường hóa quan hệ của Tổng thống Bill Clinton, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Ngoài ra, trưng bày còn giới thiệu một số hồ sơ, chứng tích chiến tranh lần đầu tiên được trao trả cho các cựu chiến binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ, hiện lưu giữ tại Trung tâm Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng sẽ gửi tặng 30 bức ảnh - tượng trưng cho số năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trung tâm Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas sẽ trao tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III hơn 200 bộ hồ sơ, dữ liệu chứng tích chiến tranh để quản lý và tiếp tục trao trả cho các gia đình.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, hiện Trung tâm Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas đang quản lý kho microfilm với gần 3 triệu trang chụp chữ viết, hình ảnh di vật, kỷ vật của bộ đội miền Bắc và Quân Giải phóng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là nguồn thông tin, dữ liệu quý giá về các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh.
Các cơ quan của Việt Nam và Hoa Kỳ đã nỗ lực tra cứu hồ sơ tài liệu lưu trữ để tìm kiếm thông tin, kỷ vật, chứng tích chiến tranh để trao trả cho gia đình các bên. Hoạt động trao trả hồ sơ chứng tích chiến tranh cho các gia đình liệt sĩ là hoạt động hết sức nhân văn đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm và thiện chí trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần củng cố lòng tin, tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa nhân dân hai nước.