Truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Lam Trinh |26/06/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Các trang báo chính thống của Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo, trang cổng thông tin Chính phủ Nhân dân nước CHND Trung Hoa… đều đồng loạt đăng tải thông tin về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và bày tỏ kỳ vọng chuyến thăm sẽ củng cố hơn nữa xu thế phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

26-pmc-tq.jpg
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính

Các tờ báo này cho biết, nhận lời mời của Thủ tướng Lý Cường, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 25-28/6; đồng thời tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á lần thứ 14 tại Thiên Tân, Trung Quốc.

Các bài viết đều đăng sơ lược về thông tin tiểu sử của Thủ tướng Phạm Minh Chính như tuổi tác, các chức vụ từng kinh qua.

Trang mạng China Daily đăng bài viết có tựa đề "Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm Trung Quốc: Tiếp tục đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, đưa hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực", nhấn mạnh, đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc trong 7 năm qua, tiếp nối sự trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.

Bài báo dẫn ý kiến Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, Việt Nam là nước láng giềng xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Năm ngoái, sau Đại hội 20, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc đã mở ra trang mới cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Theo bà Mao Ninh, từ đầu năm đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì trao đổi thường xuyên. Giao lưu hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương hai nước diễn ra nhộn nhịp, từng bước triển khai nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Chuyến thăm là dịp để hai bên trao đổi các ý tưởng và biện pháp thực hiện những nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, đi sâu hợp tác, tăng cường kết nối, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng...

Tờ Tin tức Shangguan (Shanghai Observer) đăng bài phân tích ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc và dự Hội nghị WEF của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng 3 nước: Barbados, Mông Cổ và New Zealand; cho rằng, chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ 4 quốc gia tập trung vào chủ đề "phát triển" trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhằm tìm ra phương hướng đúng đắn cho quản trị kinh tế toàn cầu, mang lại sự chắc chắn cho một thế giới đầy bất ổn.

Về chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tờ báo cho biết, Việt Nam là nước láng giềng xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc.

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất.

26-co-vn(1).png
Cờ Việt Nam tung bay trên quảng trường Thiên An Môn nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022 ( Ảnh minh họa)

Bài báo dẫn ý kiến ông Lưu Khanh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, nhận định, Việt Nam là thành viên quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tin tưởng chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất.

Còn theo ông Phó Mộng Tư, chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, Việt Nam có thể cùng Trung Quốc trao đổi về các khó khăn và bài toán cần giải quyết trên con đường chuyển đổi, hiện đại hóa.

Trước những lợi ích và bài toán trong quá trình chuyển đổi chuỗi ngành nghề công nghiệp, việc tăng cường hợp tác và trao đổi giữa Trung Quốc và Việt Nam, góp phần xác định vị trí phù hợp trong cấu trúc ngành nghề, công nghiệp của khu vực.

Về việc tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF (còn được gọi là Diễn đàn Davos mùa hè), các chuyên gia Trung Quốc cho biết, Việt Nam và Barbados, Mông Cổ và New Zealand phần lớn là các quốc gia nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc người đứng đầu chính phủ các nước châu Á-Thái Bình Dương, khu vực đi đầu trong phục hồi kinh tế hiện nay, tham dự diễn đàn Davos mùa hè, sẽ góp phần tìm ra con đường phát triển kinh tế giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, định hình lại động lực tăng trưởng, tạo ra sự bền vững và năng lượng tích cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Một số trang như Hoàn Cầu còn đăng clip hình ảnh chuyên cơ của Thủ tướng Phạm Minh Chính hạ cánh tại sân bay Bắc Kinh và dẫn tiêu đề “Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc”.

Là một chuyên gia uy tín của Trung Quốc, Phó Viện trưởng thường trực Đổng Dục của Viện Quy hoạch phát triển Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa nhận định, chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tới Trung Quốc và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân sẽ tạo nền tảng cho những hợp tác thiết thực giữa hai nước trong thời gian tới.

Mặc dù mới chỉ biết đến Việt Nam qua phim ảnh, sách báo, nhưng Phó Viện trưởng Đổng Dục sẵn sàng chia sẻ quan điểm của mình về chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam.

“Tôi cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính rất đáng để người dân Trung Quốc và Việt Nam trông đợi. Tôi tin rằng các cuộc gặp tại Diễn đàn Davos mùa Hè và các cuộc trao đổi giữa hai bên sẽ giúp mở rộng hơn giao lưu kinh tế - thương mại giữa hai nước và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác thiết thực giữa hai bên trên cơ sở những đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng trong cuộc gặp cuối năm ngoái. Tôi cũng tin rằng hai nước sẽ đạt được một số thống nhất hướng đến hợp tác thiết thực và đi vào chiều sâu, đặt nền tảng vững chắc hơn cho hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian tới.”, Phó viện trưởng Đổng Dục nói.

26-ttg-ky-ket.png
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước

Theo chuyên gia này, triển vọng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước là rất lớn, bởi hai bên có sự bổ sung hiệu quả về chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng. Việt Nam đã có một nền tảng khá tốt trong các ngành như nông nghiệp, điện tử và dệt may. Những năm gần đây, Việt Nam cũng phát triển mạnh công nghiệp chế tạo phục vụ xuất khẩu, đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cấp ngành nghề. Những điều này là cơ sở để kinh tế Việt Nam “cất cánh” và đem đến cơ hội cho hợp tác kinh tế thương mại song phương.

“Chúng ta cũng thấy một điểm rất quan trọng là Việt Nam hết sức coi trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số. Trong khi những năm gần đây Trung Quốc cũng đẩy nhanh đạt đỉnh và trung hòa carbon. Do vậy, hai nước có rất nhiều dư địa hợp tác. Đặc biệt, Việt Nam đang phát triển mạnh thương mại điện tử, còn Trung Quốc có nền tảng vững chắc về mặt này. Việt Nam cũng là một nước lớn về dân số với 100 triệu dân, nhiều hàng hóa Trung Quốc rất muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam. Có thể thấy, hai bên sẽ tìm được thêm nhiều cơ hội và điểm trùng khớp qua quá trình trao đổi hợp tác kinh tế thương mại.” - ông cho biết.

Sự phát triển của kinh tế Việt Nam cũng là điều để lại ấn tượng đối với Phó Viện trưởng Đổng Dục mà theo ông là “biểu hiện rất sáng” trong những năm qua. “Đến nay, Việt Nam đã thực sự có một vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đã mang lại mức thu nhập ngày càng cao và tạo ra ngày càng nhiều cơ hội việc làm cho người dân Việt Nam. Đây cũng là những lợi thế và tiềm năng phát triển trong giai đoạn tiếp theo của Việt Nam.”

Theo Phó Viện trưởng thường trực Viện Quy hoạch phát triển Trung Quốc của Đại học Thanh Hoa, Việt Nam đang trong giai đoạn then chốt của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, việc hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng công nghiệp, mở rộng hợp tác và kết nối với các quốc gia láng giềng và thị trường thế giới, tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm và công nghệ, sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát huy được sức mạnh nội sinh, đạt được mục tiêu phát triển nhanh hơn, cũng như nâng cấp và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiệu quả.

Bài liên quan
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính:  Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc
    Gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Trung Quốc, Thủ tướng cho biết, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính