Chỉ trong 3 ngày gần đây, tại tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xảy ra hai vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, gây ra thiệt hại nặng nề về người và của. Mà nguyên nhân phần lớn do tình trạng thiếu ý thức, bất cẩn khi tham gia giao thông qua những con đường ngang dân sinh, một phần thuộc về trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng liên quan.
Vị trí xảy ra tai nạn ngày 22/02, cướp đi sinh mạng cháu bé 30 tháng tuổi tại tx. Hương Thủy, TT –Huế
Hệ thống rào chắn đường sắt thiếu đầu tư
Chỉ trong vòng nửa tháng, liên tục các vụ tai nạn giao thông đường sắt đã xảy ra tại các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, trong đó nghiêm trọng nhất xảy ra ngày 20/02 trên địa bàn huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế khiến nhiều người thương vong.
Trong khi đó, nhiều đường ngang trên địa bàn tỉnh hiện nay thiếu sự đầu tư hệ thống cảnh báo tự động, rào chắn cũng như người gác chắn. Như điểm đường ngang vào khu vực mỏ đá Khe Diều (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc)- điểm vừa xảy ra tai nạn giữa tàu SE2 và xe tải, làm 7 người thương vong.
Người dân vẫn thong dong trên những tuyến đường ngang dân sinh nguy hiểm
Ông Lê Văn Thịnh, thôn Thủy Yên Hạ (xã Lộc Thủy) cho biết: “Tuyến đường ngang này có từ lâu và mật độ giao thông khá dày đặc, thế nhưng lại không có rào chắn, đèn tín hiệu mà chỉ có biển báo. Nhiều năm qua, các vụ tai nạn đã xảy ra, gây chết nhiều người. Người dân cũng kiến nghị đầu tư rào chắn, có người canh gác tại điểm này nhiều lần nhưng vẫn chưa được đáp ứng”.
Theo UBND xã Lộc Thủy, trên địa bàn xã hiện nay có 3 đường ngang dân sinh nhưng chỉ mới có 1 đường có rào chắn. UBND tỉnh đã có văn bản gửi Tổng Công ty Đường sắt VN, Cục Đường sắt VN và các địa phương về việc phối hợp thực hiện các giải pháp khắc phục, đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh kiến nghị Cục Đường sắt VN báo cáo đề xuất Bộ GTVT nâng cấp 17 đường ngang biển báo lên cảnh báo tự động có cần chắn tự động hoặc có người gác; xây dựng 19 hệ thống đường gom và hàng rào cách ly, hầm chui tại các địa phương.
Rà soát đầu tư hợp lý, tránh lãng phí
Ông Trần Kiêm Thuận, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên khẳng định, hiện nay, một số đường ngang trên địa bàn tỉnh mặc dù được đầu tư xây dựng đầy đủ nhưng có vị trí chưa hợp lý dẫn đến không phát huy tác dụng, gây lãng phí. Cụ thể, đường ngang dân sinh tại km698+050 (tổ 5, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) mặc dù được đầu tư các trụ đèn tín hiệu, tấm đệm sắt và đường gom dài 500m nhưng đến nay bị bỏ hoang. Để đảm bảo an toàn, ngành đường sắt đã có rào chắn, không cho xe ô tô lưu thông qua khu vưc này.
Về điểm đường ngang xảy ra vụ tai nạn giao thông ở xã Lộc Thủy, người dân và chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị lắp hệ thống barie, đèn cảnh báo nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Ông Trần Kiêm Thuận cho biết: đây là đường ngang hợp pháp, chỉ mới có hệ thống biển báo. Đề xuất của địa phương lắp cảnh báo tự động và gác chắn, công ty có nắm nhưng phụ thuộc vào nguồn kinh phí đầu tư nhà nước.
Phạm Thi