Từ 20/10, không dùng găng tay khi bán đồ ăn chín sẽ bị phạt tiền triệu

Nguyễn Ngân (t/h)|29/09/2018 12:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Từ 20/10, người bán hàng không che đậy thức ăn, không dùng găng khi tiếp xúc đồ ăn chín sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

>>>Quảng Trị: Cứu 2 cá thể rùa biển mắc lưới ngư dân

>>>Những dấu hiệu và các phòng ngừa bệnh tay chân miệng mà cha mẹ cần lưu ý

Dùng tay trần bán thức ăn sẽ bị phạt tiền triệu

Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực, thay thế cho Nghị định số 178/2013 của Chính phủ nâng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuât, kinh doanh thực phẩm sẽ có hiệu lực từ ngày 20/10.

Theo đó, quy định phạt tiền từ 80.000.000 đến 100.000.000 đồng với một trong các hành vi:

– Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người vi phạm các hành vi trên còn có thể bị xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 1 tháng đến 3 tháng.

Phạt một triệu đồng nếu không che đậy thức ăn

Nghị định 115 có riêng một điều quy định mức xử phạt với hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố.

Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng với một trong các hành vi sau:

– Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn;

– Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

– Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng với một trong các hành vi:

– Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

– Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố;

– Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn;

– Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.

Để kho bảo quản thực phẩm mốc, thấm nước bị phạt đến 15 triệu đồng

Những hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng

– Để nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản không cách biệt với nguồn ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các yếu tố gây hại khác;

– Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc;

– Không có hoặc không đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng phù hợp quy định để rửa, khử trùng tay, vệ sinh cá nhân và trang thiết bị, dụng cụ;

– Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định mới bãi bỏ hình thức xử phạt hành chính là cảnh cáo, giữ lại duy nhất một hình thức là phạt tiền. Đồng thời, mức tiền phạt được quy định tại chương II của nghị định 115 được áp dụng cho cá nhân; với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp đôi so với cá nhân.

Các hình thức khắc phục hậu quả cũng được bổ sung thêm gồm buộc thu hồi sản phẩm; buộc gỡ bỏ quảng cáo, dừng phương tiện vận chuyển và nộp tiền bằng giá trị tang vật trong trường hợp tang vật không còn.

Mức phạt tiền tối đa theo nghị định 115 vẫn giữ nguyên so với cũ tức 100 triệu đồng với cá nhân, 200 triệu đồng với tổ chức nhưng mức phạt tiền với nhiều hành vi cụ thể được nâng cao.

Cụ thể, các vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được nâng mức sử phạt từ 300.000 đồng đến 25 triệu đồng lên từ 20 đến 40 triệu đồng.

Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng với hành vi không thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong nhập khẩu hoặc xuất khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (mức cũ 15 đến 20 triệu đồng).

Hành vi không cách ly côn trùng, động vật gây hại với khu vực sản xuất hoặc kho chứa thực phẩm, phụ gia hoặc dụng cụ chế biến thực phẩm bị nâng mức xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng lên 5 đến 7 triệu đồng…

Phạt tiền từ 80 đồng đến 100 triệu đồng với hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng; ngoài danh mục được phép hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tiếp đến, phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng với hành vi không thực hiện tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, khoáng chất, chất vi lượng thuộc danh mục bắt buộc phải tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Ngân (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Từ 20/10, không dùng găng tay khi bán đồ ăn chín sẽ bị phạt tiền triệu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.