Từ tháng 5/2018, điều chỉnh hơn 40 dịch vụ Y tế

10/04/2018 04:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Chiều 9/4, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc trực tiếp với Bộ Y tế. Phó Thủ tướng cho hay Chính phủ rất quan tâm tới việc điều chỉnh một số nội dung trong Thông tư 37 về điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp với giá dịch vụ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa triển khai báo cáo Chính phủ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định chậm nhất đến tháng 5/2018 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên cả nước.

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc trực tiếp với Bộ Y tế chiều 9/4

Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, dự tính trong tháng 5 sẽ có 40 dịch vụ y tế được điều chỉnh gồm: giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị, X-quang, chụp cộng hưởng từ, nội soi tai mũi họng, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính… Bộ cũng đang khảo sát lại giá dịch vụ y tế đang áp dụng, từ đó có hướng điều chỉnh cho sát với giá thực tế. Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ cùng xem xét, điều chỉnh các dịch vụ có giá chưa hợp lý.

“Giá 40 dịch vụ y tế sẽ được tính theo nguyên tắc tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương vào thời điểm hiện nay. Theo đó, cái nào tăng sẽ tăng, cái nào giữ nguyên vẫn giữ nguyên và sẽ có những dịch vụ giá giảm xuống”, ông Nam Liên cho hay.

Theo Bộ Y tế, việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh sẽ tác động đến quỹ bảo hiểm y tế. Sau khi bù trừ giữa giá tăng, giá giảm dự kiến làm tăng chi quỹ bảo hiểm y tế khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng/năm, nếu thực hiện cuối năm, làm nhiều đợt thì tăng không nhiều, đồng thời thực hiện tốt việc đấu thầu giá thuốc giảm khoảng 15%, điều chỉnh lại cách tính ngày giường bệnh, quản lý chặt chẽ việc chỉ định thì quỹ bảo hiểm y tế tăng chi không nhiều. Số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng, quỹ vẫn có khả năng cân đối đến 2020.

Trong đó, giai đoạn đầu tiên, Bộ Y tế sẽ khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là khoảng 40 dịch vụ như khám bệnh, ngày giường bệnh, X-quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi tai mũi họng…

Trong giai đoạn hai, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ kỹ thuật hiện nay. Việt Nam đang có khoảng 18.000 dịch vụ kỹ thuật trong khi đó các nước trên thế giới hiện chỉ có khoảng 2.000 đến 3.000 dịch vụ.

Ngoài ra, Bộ Y tế cho biết, việc xã hội hoá đầu tư, liên doanh, liên kết trang thiết bị đã đạt được một số kết quả. Trong thời gian tới, nhu cầu xã hội hóa, huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập là rất lớn vì nhu cầu đầu tư lớn (riêng một số BV thuộc Bộ khoảng 19.000 tỷ đồng, BV K khoảng 600 tỷ đồng TTB, Bạch Mai hơn 200 tỷ đồng) nhưng Kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm, trung hạn 2016-2020 của Bộ Y tế, các địa phương cho lĩnh vực y tế thấp (năm 2017 Bộ Y tế chỉ được giao 564,9 tỷ đồng, năm 2018 là 655 tỷ đồng), chủ yếu cho xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, có rất ít dự án đầu tư thiết bị và mức vốn cũng rất thấp chỉ 20-30 tỷ đồng/dự án. Mặt khác chủ trương thời gian tới là ưu tiên ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở; các bệnh viện có điều kiện phải xã hội hóa, huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư.

Bên cạnh đó, nhu cầu thiết bị để phát triển kỹ thuật, thay thế một số thiết bị đã đầu tư từ ngân sách nhưng hết thời gian sử dụng và chưa có nguồn đầu tư; một số thiết bị đang thực hiện theo hình thức liên doanh, liên kết đã sắp hết hạn nên cần phải tiếp tục xã hội hóa để có thiết bị thay thế, phục vụ hoạt động chuyên môn….

Hướng Dương (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Từ tháng 5/2018, điều chỉnh hơn 40 dịch vụ Y tế
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.