Tuổi Hợi với danh nhân Việt Nam

Đông Hải|05/02/2019 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Theo quan niệm tín ngưỡng truyền thống, người tuổi Lợn (tuổi Hợi) thường đa tài, sung mãn, suôn sẻ, gặp nhiều may mắn và thành đạt. Trong số các danh nhân góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam, có nhiều người sinh năm Hợi…

>>> Quảng Nam: Thả cá thể rùa xanh quý hiếm về biển

>>> Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời: “Những gì làm cho Đà Nẵng là chúng tôi làm đẹp nhất, tốt nhất có thể”

Ảnh minh họa.

Tuổi Ất Hợi

Phạm Đôn Lễ (1455-…?): Văn thần đời Lê Thánh Tông, quê Thái Bình. Thông minh, linh hoạt, năm 1481 đỗ Trạng nguyên (cả thi Hương, thi Hội lẫn thi Đình đều đỗ đầu, trở thành vị Tam nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta). Nổi tiếng văn thơ, lại giỏi việc kinh tế-chính trị, rất được trọng vọng và làm quan tới chức Tả thị lang. Ông là người đầu tiên truyền bá cách trồng cói, dệt chiếu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Phan Kế Bính (1875-1921): Nhà văn hóa cận đại, quê Hà Nội. Năm 1906 đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà sống với nghề dạy học, viết báo, soạn sách. Ông từng đào tạo được nhiều học trò danh tiếng và là tác giả của những công trình lớn về lịch sử, văn thơ, phong tục tập quán.

Lê Văn Huân (1875-1929): Chí sĩ yêu nước, quê Hà Tĩnh. Giàu lòng ái quốc, năm 1904-1905 hăng hái tham gia phong trào Duy Tân. Năm 1906, đỗ đầu trường thi Nghệ An và bước vào hoạt động chính trị. Năm 1927, đắc cử nghị sĩ Viện Dân biểu Trung Kỳ và đổi tên Hội Phục Việt do mình sáng lập, lãnh đạo trước đó thành Đảng Tân Việt (một trong các Đảng tiền thân của Đảng Cộng sản). Năm 1929, bị Pháp bắt giam nên tuyệt thực và mổ bụng tự sát. Ông là một nhà nho yêu nước, một chính khách mẫn cảm và một thi sĩ tài hoa.

Tuổi Đinh Hợi

Hoàng Đình Ái (1527-1607): Danh tướng đời Lê Trang Tông, quê Thanh Hóa. Dũng cảm, mưu lược, văn võ song toàn, tận tụy phò giúp vua Lê kình chống nhà Mạc, được thăng tới Thái úy (Tổng chỉ huy quân đội) và Thái tể (tương đương Tể tướng). Ông lập nhiều chiến công oanh liệt và rất được nể phục bởi tính cách quyết đoán, mạnh mẽ.

Nguyễn Thông (1827-1884): Đại thần thời Nguyễn, quê Long An. Thông minh, nghị lực, năng động, năm 1849 đỗ cử nhân, làm quan trong các ngành địa chính, quân sự, giáo dục, thăng đến Tế tửu Quốc tử giám. Từ năm 1859, nhiệt tình tham gia chống Pháp xâm lược, liên kết với cả tướng sĩ triều đình và thủ lĩnh nghĩa quân, kiên cường chống giặc bình định Nam Bộ. Ông còn góp công lớn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và quy hoạch, quản lý đất đai.

Bùi Kỷ (1887-1960): Học giả cận đại, quê Hà Nam. Nức tiếng uyên thâm và thuần thạo ngôn ngữ, năm 23 tuổi đỗ Phó bảng, hoạt động trong ngành giáo dục. Sau Cách mạng tháng Tám, làm Chủ tịch Hội Văn hóa kháng chiến. Ông để lại nhiều tác phẩm đồ sộ về thi ca, văn học, lịch sử, nghệ thuật và là người dày công cải biến, hoàn thiện chữ quốc ngữ Việt Nam.

Tuổi Kỷ Hợi

Đinh Lưu Kim (1479-…?): Danh sĩ thời Lê sơ, quê Hải Dương. Nhiệt tình, can đảm, thông tuệ, mới 17 tuổi đã thi đỗ tiến sĩ, làm quan tới Đông các Đại học sĩ. Rất đa tài, ông am hiểu bách công kỹ nghệ, thành thạo nhiều nghề và giỏi nhiều môn thể thao (đá cầu, đánh bóng, đua ngựa, bắn cung…).

Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736): Danh thần đời chúa Nguyễn Phúc Chu, quê Thừa Thiên-Huế. Nổi tiếng văn thơ nhưng theo nghiệp võ, được tiến cử, trọng dụng và thăng đến Thượng thư (Bộ trưởng) Bộ Lại. Từ năm 1724, ông được chúa tin tưởng, dùng làm cố vấn hoạch định mọi chính sách trị nước, an dân, đối ngoại.

Vi Huyền Đắc (1899-1976): Nhà văn, nhà soạn kịch, quê Quảng Ninh. Nghị lực, độc đáo, say mê nghệ thuật, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Hà Nội, nhiệt tình sáng tác văn thơ, viết kịch và mở nhà xuất bản. Sau năm 1954 ông vào Nam, dịch và sáng tác rất nhiều, giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn bút ở Sài Gòn. Ông là nhà soạn kịch danh tiếng, để lại nhiều vở kịch giá trị, từng được giải thưởng Tự lực Văn đoàn (năm 1937) và giải thưởng của Viện Hàn lâm Nice (Pháp).

Tuổi Tân Hợi

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585): Danh sĩ thời Mạc, quê Hải Phòng. Khẳng khái, nhân nghĩa, trí tuệ, năm 1535 đỗ tiến sĩ, làm quan tới Thượng thư Bộ Lại, đắc lực giúp các vua Mạc thực thi chính sách xã hội. Tinh thông lý học và tướng số, là tác giả nhiều câu “sấm truyền” dự báo rất đúng tương lai. Ông cũng để lại những công trình giá trị về triết học, văn hóa, thơ ca.

Nguyễn Phúc Đảm (1791-1840): Vị vua xuất sắc nhà Nguyễn, hiệu Minh Mạng, quê Thanh Hóa. Đa tài, thông minh, cả quyết, lên ngôi năm 29 tuổi, nổi tiếng với những chính sách cách tân độc đáo, táo bạo. Thời ông trị vì, quyền lực nhà nước tập trung cao độ và lãnh thổ Việt Nam được mở rộng nhất trong lịch sử.

Lê Đức Thọ (1911-1990): Nhà hoạt động cách mạng, quê Nam Định. Bản lĩnh, năng động, nồng nàn yêu nước, sớm tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và vào Đảng Cộng sản năm 19 tuổi. Đại diện cho các báo công khai của Đảng ở Nam Định, hoạt động sôi nổi và bị giặc Pháp bắt nhiều lần. Năm 1948 được phái vào công tác tại Nam Bộ, làm Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam. Từ năm 1954 ra Bắc, phụ trách công tác tổ chức và là ủy viên Bộ Chính trị. Sau năm 1986, làm cố vấn cao cấp cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông từng có những quyết định nghiêm khắc trong nội bộ Đảng cũng như đối với cán bộ công chức Nhà nước; đóng góp tích cực trên mặt trận ngoại giao và được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 (cùng Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger) nhưng từ chối nhận.

Tuổi Quý Hợi

Lý Nhật Tôn (1023-1072): Vị vua thứ ba triều Lý, hiệu Thánh Tông, quê Bắc Ninh. Nhiệt tình, nhân hậu, khoan dung, lên ngôi năm 31 tuổi, nặng lòng yêu nước thương dân. Cùng Nguyên phi Ỷ Lan dốc sức chăm lo chính trị, củng cố quốc phòng, chấn hưng văn hóa-xã hội, đưa quốc gia phát triển cực thịnh suốt thời gian cầm quyền. Ông còn là người đầu tiên cho xây Văn Miếu và mở khoa thi bác học để khích lệ sĩ phu, tuyển chọn nhân tài.

Ninh Tốn (1743-…?): Danh sĩ thời Lê Mạt, quê Ninh Bình. Chí khí cao, ham rèn luyện, giỏi ứng biến, năm 1778 đỗ tiến sĩ, làm quan triều vua Lê chúa Trịnh đến chức Hữu thị lang Bộ Hình, rồi triều Tây Sơn đến chức Thượng thư Bộ Binh. Ngoài lập nhiều chiến công hiểm hách, ông còn là một nhà thơ lớn.

Nguyễn Văn Cao (1923-1995): Nghệ sĩ đa tài, quê Hải Phòng. Xuất thân từ một gia đình viên chức, mồ côi cha từ bé, phải nghỉ học giữa chừng và bươn chải cuộc sống với nhiều nghề. Sớm bộc lộ tài năng âm nhạc, sáng tác ra những nhạc phẩm nổi tiếng (trong đó có bài Tiến quân ca trở thành quốc ca Việt Nam từ năm 1946). Ông còn làm nhiều thi phẩm đặc biệt và vẽ nên các bức họa độc đáo, đa chiều. Sau năm 1954, về công tác trong ngành thông tin và từng làm Phó Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhạc sĩ tài hoa, thi sĩ nhiệt huyết, họa sĩ sáng tạo – ông thực sự là một nghệ sĩ đầy tài năng và hiếm có của nền văn hóa Việt Nam.

Đông Hải

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tuổi Hợi với danh nhân Việt Nam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.