(Moitruong.net.vn) – Trong thời gian gần đây, tuyến đường Bạc Liêu – Hưng Thành (tuyến ĐT. 976) đang bị xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây mất an toàn giao thông.
Tuyến đường Bạc Liêu – Hưng Thành xuống cấp trầm trọng, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà
Từ câu chuyện sạt lở…
Tháng 7/2017, Sở Giao thông Vận tải Bạc Liêu trình báo cáo khẩn lên UBND tỉnh Bạc Liêu về tình trạng đoạn đường Bạc Liêu – Hưng Thành xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt là đoạn từ ngã ba Năm Căn đến cầu Hưng Thành (Km 10+150 đến đoạn Km 11+408) bị xuống cấp, sạt lở sâu vào phần mặt đường, khiến mặt đường hư hỏng nặng có khả năng gây tắc đường và nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.
Tuyến đường Bạc Liêu – Hưng Thành xuống cấp gây ùn tắc, cản trở việc lưu thông của người dân. Đồng thời, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của khách du lịch đến tham quan và viếng chùa Hưng Thiện.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt phương án xử lý bằng cọc bê tông và tấm đan bê tông cốt thép kinh phí khoảng 7,5 tỷ đồng. Còn các cơ quan chức năng đã khẩn trương kiểm tra thiệt hại, rào chắn những đoạn bị sạt lở, cảnh báo người tham gia giao thông tránh xa những nơi có nguy cơ bị sạt lở. Đồng thời, cũng có các biện pháp hạn chế xe có tải trọng lớn lưu thông làm ảnh hưởng an toàn công trình. Các phương án khắc phục đang được khẩn trương triển khai thực hiện.
Mặt đường Bạc Liêu – Hưng Thành xuống cấp gây mất an toàn cho người tham gia giao thông
Đến câu chuyện của ý thức và trách nhiệm…
Sạt lở tuyến Bạc Liêu – Hưng Thành là một trong những biểu hiện của tác động biến đổi khí hậu đột ngột và khó lường. Nguyên nhân gây sạt lở chủ yếu là do mưa lớn, nước từ đầu kênh đổ ra cống quá mạnh, cống Hưng Thành phải mở miệng cống, tháo nước cho chảy ra sông Bạc Liêu. Khi nước lớn, nước từ sông Bạc Liêu qua cống, đổ vào kênh Hưng Thành chảy xiết làm xói mòn bờ kênh.
Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân khách quan, nhìn từ góc độ khác còn có sự tác động của con người như: các hộ dân sinh sống ven đường đã làm sân lấn ra sát mặt lộ phục vụ nhu cầu cá nhân như: đậu xe, mở hàng, quán… từ đó, nước mưa không có chỗ thoát, đọng vũng lại lâu ngày thành ổ gà, ổ voi, khiến mặt đường nhanh hư hỏng.
Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác phát triển du lịch và nhu cầu tín ngưỡng, địa phương đã không tính đến phương án quá tải phương tiện. Trong khi lưu lượng xe, nhất là xe có trọng tải lớn thường xuyên lưu thông qua tuyến đường này, nên giờ đây trở thành gánh nặng cho con đường.
Đứng trước những tác động của biến đổi khí hậu tương tự câu chuyện này, chúng ta quả thật không thể đổ lỗi cho ai. Bởi sức mạnh của thiên nhiên từ ngàn đời vẫn luôn uy lực như thế. Nhưng thiên nhiên nói riêng và môi trường nói chung cũng không vô cớ gây ra những hậu quả tác động lên con người. Mà có một sự tương hỗ, có tồn tại mối quan hệ giữa con người và môi trường. Nếu chúng ta có ý thức và trách nhiệm hơn với môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu thì những tác động không mong muốn sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất trong tương lai.
Phương Minh