Trước khi Đảng ta ra đời, năm 1925, trong những bài giảng cho lớp cán bộ đầu tiên của Đảng, Bác Hồ đã khẳng định: “Cách mệnh trước hết phải là cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy”. Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn cam go nhất, Bác Hồ lại nhấn mạnh vai trò của Đảng, chăm lo việc giáo dục, rèn luyện đảng viên: “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đó đã có kết quả vẻ vang. Nhưng nếu mỗi cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan. các chi bộ, các đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế Đảng ta mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”. Năm 1961, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Bác Hồ kêu gọi: “Để bảo đảm thắng lợi của cách mạng, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải nâng cao hơn nữa sức chiến đấu của Đảng ta… Phải nâng cao hơn nữa tính giai cấp và tính tiền phong của Đảng, tăng cường hơn nữa mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng”.
Bác Hồ đã khẳng định: “Cách mệnh trước hết phải là cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy”. Ảnh tư liệu
Bác Hồ nhìn thấy trước rằng, đáng Mỹ, thắng Mỹ là vô cùng gian khổ, khó khăn, nhưng xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến công vào nghèo nàn lạc hậu trong hoàn cảnh hòa bình, lại có những khó khăn, phức tạp của nó. Nếu Đảng không được xây dựng, chỉnh đốn thường xuyên để theo kịp với tình hình mới thì cách mạng không thể tiến lên được. Bởi vậy, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Trước khi đi xa, trong bản Di chúc Bác Hồ để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, điều đầu tiên “Trước hết nói về Đảng…” Người nói về Đảng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, thì “công việc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh…”, để thực hiện được công việc “cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn” ấy, theo Bác: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều phải ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Bác Hồ căn dặn: “Khi cách mạng gặp khó khăn, chỉnh đốn Đảng để xây dựng thái độ bình tĩnh, sáng suốt, kiên định lập trường, lý tưởng; khi cách mạng trên đà thắng lợi, chỉnh đốn Đảng để ngăn ngừa bệnh kiêu ngạo, chủ quan, tự mãn, lạc quan tếu; khi Đảng cầm quyền, đảng viên rất dễ bị đánh mất mình…”. “Một dân tộc, một đảng viên và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu xa vào chủ nghĩa cá nhân”. Bác Hồ đã nhìn thấy rất rõ tính hai mặt của quyền lực, nên Người luôn cọi việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên của Đảng.
Chủ đề Đại hội XIII đã phát triển thành tố “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” của Đại hội XII thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Điểm mới ở đây là đã bổ sung “xây dựng hệ thống chính trị” cùng với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và không chỉ đề cập đến xây dựng Đảng, mà còn nhấn mạnh cả đến chỉnh đốn Đảng.
Chủ đề Đại hội XIII đã phát triển thành tố “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” của Đại hội XII thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”
Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội XIII của Đảng lại xác định, đặt ra yêu cầu đầu tiên là cần tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trên thực tế, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau; trong đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò hạt nhân, quan trọng vì Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đặc biệt là Đảng lãnh đạo, giới thiệu những đảng viên ưu tú của mình ứng cử vào các vị trí chủ chốt của Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Xây dựng Đảng phải gắn liền với xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bởi lẽ, chỉ khi nào Nhà nước mạnh, liêm chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội phát huy mạnh mẽ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình thì mới đưa được những đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Nói cách khác, Đảng muốn vững mạnh và thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện của mình thì Nhà nước cũng phải được xây dựng vững mạnh, liêm chính, vì Nhà nước chính là người thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đưa các quyết sách lãnh đạo của Đảng thành chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch cụ thể, sát hợp với thực tiễn phát triển đất nước. Cũng như vậy, Đảng và Nhà nước chỉ vững mạnh, hoàn thành được nhiệm vụ của mình khi và chỉ khi có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội phát huy hết vai trò, trách nhiệm, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành hành động thực tế của nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh còn giúp cho Đảng có được mối quan hệ mật thiết với nhân dân, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, khát vọng phát triển vì một Việt Nam hùng cường, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước; đáp ứng ngày càng tốt hơn sự kỳ vọng, xứng đáng với sự gửi gắm niềm tin của nhân dân.
Vận dụng tư tưởng xây dựng Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, coi trọng xây dựng Đảng về chính trị. Xây dựng Đảng về chính trị là công việc mang tính bản chất của Đảng bao gồm: Xây dựng đường lối chính trị, bảo vệ chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị, củng cố lập trường chính trị, nêu cao bản lĩnh chính trị… Trong đó, đường lối chính trị là một vấn đề cốt lõi trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Xây dựng Đảng về chính trị được biểu hiện ở mục đích và lập trường của một Đảng cách mạng. Người luôn căn dặn chúng ta không bao giờ được quên rằng, mục đích cuối cùng của Đảng là tiến lên CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Lập trường kiên định của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Mục tiêu đó, lập trường đó của Đảng là mục tiêu, là lập trường của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Hai là, tăng cường xây dựng Đảng về tư tưởng. Xây dựng Đảng về tư tưởng là xây dựng nền tảng của Đảng. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Nghị quyết 35- NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận; tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về đảng cầm quyền, về CNXH, con đường đi lên CNXH ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tuyên truyền, học tập Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Ba là, đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức. Thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; kết hợp với nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh, tự giác, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ; quản lý chặt chẽ đảng viên. Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; nghiêm cấm hiện tượng trấn áp, trù dập người phê bình cũng như hiện tượng lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân, gây rối nội bộ.Mọi hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, gây mất đoàn kết thống nhất trong Đảng phải bị xử lý triệt để. Chú trọng công tác cán bộ, vì đây là “cái gốc của của mọi công việc”, là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.
Bốn là, tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng “nền gốc” tinh thần vững chắc của Đảng, là xây dựng sức mạnh nội sinh của cách mạng. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường đối với vận mệnh đất nước, nguy cơ mất chế độ, mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Xây dựng Đảng về đạo đức để Đảng ta thật sự là đội tiên phong và đại biểu trung thành vì lợi ích của giai câp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”.
Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, có Nhà nước pháp quyền XHCN, phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước. Phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tiếp tục xác định rõ nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới. Đảng lãnh đạo, cầm quyền phải có thực quyền, không chuyên quyền, độc đoán, nhưng cũng không rơi vào nguy cơ quyền lực của Đảng bị hình thức hóa. Đảng cầm quyền bằng thực quyền của Đảng, bằng chuẩn tắc dân chủ với xã hội; bằng đạo đức nêu gương vì dân, có sức mạnh tự bảo vệ từ lòng dân.
Tiếp tục truyền thống và kế thừa tinh thần của các đại hội trước đó, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng được thể hiện rõ cả trong chủ đề, bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển.
Như vậy, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là yêu cầu quan trọng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính đồng bộ, sự phù hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đưa nước ta phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, do vậy, là nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong suốt 35 năm qua.
Hà Anh