(Moitruong.net.vn) – Trước đây, dòng suối Sảo trong xanh, uốn lượn hiền hòa chảy dài hơn 10 km qua địa bàn 2 xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), là nguồn thủy lợi dồi dào tưới tiêu cho đồng ruộng, nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân 2 xã trên. Nhưng vài năm gần đây dòng suối này bị “chết dần chết mòn” do bùn, đất, chất thải từ việc khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn xã Ngọc Minh vùi lấp. Dòng suối Sảo đang bị “bức tử” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân.
Cửa xả thải của một điểm chế biến khoáng sản
Bây giờ người dân Ngọc Minh, Bạch Ngọc gọi dòng suối Sảo trong xanh trước đây, bằng cái tên “dòng suối bùn” hay “dòng suối chết”! Vì dòng suối này hiện nay ngập ngụa bùn đất, loang lổ dầu máy. Có những đoạn bùn đất ngập lên tận bờ, dòng nước hiếm hoi lay lắt chảy như mấy con cá trạch vẫy vùng để thoát ra khỏi một con lạch cạn. Cùng số phận với dòng suối Sảo, đập thủy lợi, kênh mương dẫn nước tưới tiêu cho hơn 60 ha lúa của thôn Diếc và một số thôn của xã Bạch Ngọc cũng trong tình trạng “sống dở, chết dở” bởi bùn, đất cũng tràn xuống đập, lấp đầy mương. Để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, hàng năm người dân thôn Diếc phải bỏ công ra nạo vét từ 1 đến 2 lần vào đầu mùa vụ. Cánh đồng hơn 60 ha của bà con nông dân “bỗng dưng” trở thành bể chứa chất thải của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Cả cánh đồng trồng lúa mà đất cứ đặc quánh, chai lỳ gần như không có một chút dinh dưỡng nào. Đã có khá nhiều diện tích lúa của người dân bị đen rễ, úa lá, rục thân. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của người dân thì thỉnh thoảng, khi ít, lúc nhiều tôm cá lại chết nổi trắng bụng… Nguyên nhân lúa bị hại, cá bị chết có thể rất nhiều nhưng yếu tố do ô nhiễm từ chất thải là không thể tránh khỏi. Là vùng đất thuần nông, thu nhập, nguồn sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng, mảnh đất của họ, nguồn nước của họ bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng kéo dài nhiều năm thì tránh sao khỏi sự giận dữ, bất bình. Mặc dù đã rất nhiều lần bà con kiến nghị tới các cấp, các ngành, chủ các điểm mỏ khai thác khoáng sản xong những lời đề nghị ấy hình như không thấu được đến người có trách nhiệm, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất vẫn diễn ra, năm này qua năm khác.
Dòng suối Sảo bị bùn, đất ứ đọng dâng lên tận bờ
Hiện nay trên địa bàn xã Ngọc Minh có 4 điểm mỏ đã được đầu tư xây dựng cơ bản và đi vào khai thác, chế biến khoáng sản, gồm: Công ty Cổ phần Cao nguyên đá – mỏ Mangan Bản Sám 2; Công ty Cổ phần Việt Bắc mỏ Mangan thôn Tân Bình; Công ty Cổ phần Thiên Hàm mỏ Mangan thôn Tân Bình. Công ty TNHH Tường Phong khai thác mỏ Mangan Bản Sám. Tất cả 4 đơn vị trên đều có hoạt động xả thải ra suối Sảo. Việc điểm mỏ nào xả thải và xả thải có đúng quy trình hay không thì các nhà quản lý, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc điều tra làm rõ (chả nhẽ cứ làm ngơ!). Nhưng 1 người dân là chị Cháng Thị Thiếng kể rằng: Tại điểm chế biến khoáng sản của Công ty Cổ phần Cao Nguyên Đá có 3 bể lắng lọc, nhưng chỉ có 1 bể cuối cùng hoạt động, mà bể này chất thải cũng đã đầy ứ lên đến bờ, như vậy cũng có nghĩa là bể mất khả năng lắng lọc, nước thải từ khu chế biến trôi qua bể và chảy thẳng ra môi trường. Đây cũng có thể là nguyên nhân gây nên sự bức xúc gay gắt của người dân thôn Diếc với đơn vị khai thác. Mâu thuẫn ngày càng lớn và sự việc đáng tiếc xảy ra vào khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 30.3, hơn 60 người dân thôn Diếc đã đến điểm chế biến khoáng sản của công ty trên phản đối bằng cách phá hỏng 1 số thiết bị tuyển quặng của điểm chế biến này.
Nông dân thôn Diếc tự nạo vét kênh do bùn, đất vùi lấp
Để hồi sinh dòng suối đang bị bức tử; để người dân thôn Diếc không phải mỗi năm 2 lần họp nhau đi nạo vét kênh, mương cũng đang ngắc ngoải; để cánh đồng hơn 60 ha và diện tích mặt nước thực sự là nguồn sinh kế của người nông dân… Nên chăng, các ngành chức năng, đơn vị có trách nhiệm và cả các công ty khai thác khoáng sản cùng nhau giải quyết một cách rành rọt để chấm dứt hiện trạng này?
Theo báo Hà Giang