Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu

Giang Anh|08/04/2022 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đó là phát biểu của ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường tại buổi khai mạc Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ hai.

Ngày 7/4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế – ICC, đã diễn ra chương trình Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Hướng tới trung hòa các-bon: Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mặc dù là nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế trong khi phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn thể hiện quyết tâm cao nhất, cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí metan vào năm 2030 so với năm 2020, chuyển đổi điện than sang năng lượng tái tạo và nhiều sáng kiến toàn cầu khác.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó trưởng Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cũng cho hay, để hướng tới mục tiêu Net Zero (không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển) vào năm 2050, cơ cấu nguồn điện thay đổi rất nhiều. Với kịch bản Net Zero, không thể xây thêm nguồn điện than mới (trừ nhà máy đang xây dựng), thậm chí nhà máy điện khí cũng hạn chế đến mức tối thiểu. Mà nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sẽ đóng góp chính trong cơ cấu năng lượng điện.

Một khó khăn khác trong phát triển năng lượng tái tạo là do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu… nên tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo thường tập trung ở một số tỉnh, địa phương nhất định, trong khi phần lớn các tỉnh này có phục tải tiêu thụ tại chỗ nhỏ, do đó gây áp lực lên hệ thống lưới điện trong việc truyền tải công suất….

Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 2.

Hướng tới đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tại diễn đàn đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư vấn, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đầu tư nguồn năng lượng sạch và các nhà khoa học đã chia sẻ, trao đổi về những thách thức mới trong phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam. Đó là những thách thức trong quy hoạch điện, quy hoạch quản lý đất đai; đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà thầu; trong công tác chuẩn bị đầu tư, công tác thu xếp vốn; nguồn nhiên liệu trong nước và nhập khẩu (giá cả, nguồn cung, hệ thống hạ tầng đối với các dự án điện khí); khả năng tham gia thị trường điện; sự đồng hành của chính quyền địa phương.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như: cơ chế lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện gió, điện mặt trời, điện khí; chính sách tài trợ vốn ưu đãi cho ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, công nghệ cao; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thu hút đầu tư vào năng lượng sạch; những thách thức mới trong phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam…

Đặc biệt là chủ trương dừng các dự án nhiệt than chưa triển khai đầu tư xây dựng, đồng thời kiến nghị lên cấp thẩm quyền để ban hành các quy định và cơ chế phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng tính cường phát triển các dạng năng lượng xanh và sạch.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức đã vinh danh “TOP 10 nhà đầu tư IPP (dự án điện độc lập) năng lượng sạch uy tín ở Việt Nam 2021” và “TOP 10 doanh nghiệp công nghệ, thiết bị, dịch vụ điện gió, mặt trời được đánh giá tốt nhất Việt Nam 2021” nhằm ghi nhận, động viên các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các nguồn điện sạch tiêu biểu; cung cấp các thiết bị điện công nghệ cao, cung cấp dịch vụ xây dựng dự án năng lượng sạch góp phần tăng hiệu quả đầu tư và đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn.

Giang Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu