Việt Nam có nguy cơ thiếu điện sau năm 2020

Mai Dung (t/h)|19/07/2019 05:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Lượng điện thiếu hụt ước tính 3,7 tỷ kWh vào năm 2021, sau đó tăng lên gần 10 tỷ kWh vào 2022. Căng thẳng nhất là năm 2023, mức thiếu hụt khoảng 15 tỷ kWh.

Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng trọng điểm ngày 17/7, ông Phương Hoàng Kim – Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) dẫn con số, 47/62 dự án công suất lớn trên 200 MW (theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh) chậm tiến độ. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu điện từ năm 2020 khi phụ tải tăng cao, nước về kém, thiếu hụt điện than, khí…

Lượng điện thiếu hụt ước tính 3,7 tỷ kWh vào năm 2021, sau đó tăng lên gần 10 tỷ kWh vào 2022. Căng thẳng nhất là năm 2023, mức thiếu hụt khoảng 15 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ và 3,5 tỷ kWh vào các năm 2024-2025.

Từ năm 2021 và các năm tiếp theo sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện.

Việc để các dự án chậm tiến độ, ông Kim nói, trách nhiệm chính thuộc về các chủ đầu tư nhưng lại chưa có chế tài xử lý, quy trách nhiệm. “Qua sơ bộ cho thấy trách nhiệm các tập đoàn rất lớn và hầu như chỉ có EVN là đảm bảo tiến độ còn PVN, TKV thì chưa. Đã có nhiều chỉ đạo nhưng vẫn chưa có cơ chế, chế tài, gây nên những khó khăn triển khai” , ông Kim cho hay.

Để giải quyết một phần tình trạng thiếu điện, Bộ Công Thương tính toán sẽ tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Với nguồn điện nhập khẩu từ Lào, theo thỏa thuận đã ký giữa hai Chính phủ, công suất mua tới năm 2020 khoảng 1.000 MW, tăng lên 3.000 MW vào năm 2025 và khoảng 5.000 MW đến 2030.

Lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc cũng dự kiến tăng từ năm 2021 với mức giá cạnh tranh hơn so với khung giá mua điện từ Lào, và thấp hơn giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than (trên 7 cent một kWh).

“Tiết kiệm điện nhiều lắm cũng chỉ 5-8%, nên bù nguồn điện hiện thời chỉ có mua thêm từ Lào, Trung Quốc”, ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Công Thương chia sẻ, song nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp ứng phó trước mắt, còn lâu dài cần đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn trong nước.

Bên ngoài dự án Nhiệt điện Long Phú 1, một trong những dự án PVN làm chủ đầu tư đang chậm tiến độ. Ảnh: H.Thu

Cụ thể nói về tình hình cung cấp điện, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết hiện 62 dự án điện có công suất trên 200MW chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch. Dự án chậm nhiều nhất là 1 năm, còn lại 3 – 4 năm.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Điều tiết điện lực, từ tháng 10/2019, Nhà máy khí Cà Mau sẽ hết quyền lấy khí. Do đó, nguồn chạy dầu sẽ phải huy động thêm hơn 500 triệu kWh với chi phí tăng thêm 2.500 – 3.500 đồng/kWh. Thủy điện cũng gặp khó do vừa đảm bảo vận hành và xả nước cho hạ du. Điện than cũng không còn nguồn mới, việc đảm bảo cung cấp than cho điện cũng đang gặp khó khăn.

Mai Dung (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có nguy cơ thiếu điện sau năm 2020