Việt Nam đang nhập khẩu “bất đắc dĩ” chất thải từ doanh nghiệp FDI

14/03/2017 01:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trong số 100 khu công nghiệp Việt Nam có đến 80% đang vi phạm quy định về môi trường và số doanh nghiệp FDI chiếm tới 2/3 trên tổng các doanh nghiệp xả thải vượt tiêu chuẩn. Tình hình xả thải ở hầu hết các doanh nghiệp còn nhiều bất cập.

Doanh nghiệp FDI chiếm tới 60% trên tổng các doanh nghiệp xả thải vượt tiêu chuẩn

60% doanh nghiệp FDI xả thải ô nhiễm

PGS.TS Đinh Đức Trường, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Môi trường, Đại học Kinh tế Quốc dân dẫn chứng, theo GSO, trong số 100 khu công nghiệp Việt Nam có đến 80% đang vi phạm quy định về môi trường.

Trong đó, số doanh nghiệp FDI chiếm tới 60% trên tổng các doanh nghiệp xả thải vượt tiêu chuẩn. Tình hình xả thải ở hầu hết các doanh nghiệp còn nhiều bất cập.

Thực tế thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp FDI đã cho nhập khẩu công nghệ, thiết bị máy móc “dưới chuẩn”, cũ kỹ, lạc hậu vào Việt Nam. Chưa kể, có không ít doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và khai thác lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Gần đây nhất, vào tháng 4/2016,  tại 4 tỉnh ven biển miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã xảy ra sự cố hải sản chết bất thường, ảnh hưởng tới an ninh, môi trường, xã hội.  Cơ quan chức năng đã phát hiện ra nguyên nhân  là công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có vi phạm, dẫn tới xả thải độc tố ra biển, chất hydroxit, vượt quá mức cho phép.

Sau đó, công ty Formosa cam kết công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.

Trước đó, 10/5/2016, đoàn công tác liên ngành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu niêm phong xưởng nhuộm của công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam. Dù không được cấp phép nhưng công ty tự ý làm phân xưởng nhuộm công suất 1.100 tấn/năm; tự ý khoan 26 giếng khoan; khai thác trái phép mỗi ngày hơn 2.700 m3 nước ngầm và xả thải trái phép. Đáng chú ý, đây là lần niêm phong thứ 7 đối với công ty này từ khi được cấp phép hoạt động.

Untitled1

80% công nghệ của khu vực FDI về Việt Nam là công nghệ trung bình gây ảnh hưởng lớn đến môi trường

Doanh nghiệp FDI chiếm tới 60% trên tổng các doanh nghiệp xả thải vượt tiêu chuẩn

Vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào năm 2008 vẫn còn khiến nhiều người dân lo lắng đó là công ty Vedan Việt Nam xả thải, gây ô nhiễm trên sông Thị Vải (Đồng Nai). Với việc xả chui 100.000 m3 nước thải độc ra sông mỗi tháng. Bán kính ô nhiễm rộng tới 10km dọc bờ sông Thị Vải, Vedan đã làm thiệt hại gần 2.700 ha nuôi trồng thuỷ sản của Đồng Nai, TP HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Bên cạnh đó còn nhiều doanh nghiệp FDI liệt kê vào danh sách đen các cơ sở gây ô nhiễm môi trường như: công ty TNHH Huyndai- Vinasin (Khánh Hoà); công ty TNHH Miwon Việt Nam; công ty Tung Kuang; công ty TNHH Mei SHeng Textiles Việt Nam (Trung Quốc), Công ty Chia Chen (Ninh Bình)…

Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường thẳng thắn nêu rõ: “Rất nhiều dự án FDI đều giống nhau ở một điểm quan trọng đó là hướng đến việc khai thác tài nguyên giá rẻ của Việt Nam. Tài nguyên này có thể là đất, là nước, là môi trường… tất cả đều với chi phí quá thấp.”
Ông Tuyến cảnh báo: “Xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao.

Tỉnh táo trước “cơn say” FDI

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường tháng 8/2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, khu vực FDI hiện đóng vai trò chủ yếu trong xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu và 59% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Xét về mặt tăng trưởng, 70% tốc độ tăng trưởng của nước ta hiện nay được đóng góp bởi các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm… vào Việt Nam.

80% công nghệ của khu vực FDI về Việt Nam là công nghệ trung bình gây ảnh hưởng lớn đến môi trường

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT), 8 tháng năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm 14,3 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015; ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Cũng trong thời gian này cả nước có 1.619 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015; 770 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 4,6 tỷ USD, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong hơn 25 năm thu hút FDI, có thể thấy 80% công nghệ của khu vực FDI về Việt Nam là công nghệ trung bình, công nghệ cao chỉ chiếm 6%. Rõ ràng doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu để tận dụng tài nguyên, nhân công giá rẻ.

Nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng về những hậu quả tiêu cực của khu vực FDI. Theo một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Kinh tế quốc dân về tình hình tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp FDI, hiện có đến 80% khu công nghiệp vi phạm các quy định về môi trường; 70% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn, 23% trong số đó xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép 5-12 lần.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với 55 nền kinh tế, hơn 90% các dòng thuế suất được giảm về 0%. Vì thế, Việt Nam được coi là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài và khu vực FDI đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Vấn đề là chúng ta cần tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh thu hút FDI, nhưng phải chọn lọc các dự án chất lượng cao.

Các chuyên gia cho rằng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi thu hút đầu tư, cần thay đổi cách chạy theo tăng trưởng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) bằng một hệ thống tiêu chí dùng chỉ tiêu GNI (Tổng sản phẩm quốc dân) có tiêu chí xã hội môi trường để tăng trưởng bền vững. Cụ thể, GNI = GDP + lợi nhuận từ nước ngoài chuyển về – lợi nhuận FDI chuyển về nước họ.

Ngoài ra phải có chế tài và khung rõ ràng, chấm dứt ưu đãi tài nguyên giá rẻ, tăng cường giám sát các doanh nghiệp FDI về tuân thủ các tiêu chí bảo vệ môi trường khói bụi, nước thải, tiếng ồn ngay từ khâu thiết kế và lựa chọn công nghệ đến thi công vận hành.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, thể hiện ở việc chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng để phát triển bền vững thì cần phải biết nói không với những dự án FDI có tác động xấu đến môi trường. Việc thu hút đầu tư nước ngoài phải giảm thiểu tác động tới môi trường.

Phạm Huyền


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam đang nhập khẩu “bất đắc dĩ” chất thải từ doanh nghiệp FDI
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.