Việt Nam đối mặt với 4 thách thức về năng lượng

H.Nhung (th)|24/08/2017 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Cung cấp năng lượng tin cậy, giá cả hợp lý, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên chính là 4 thách thức cho việc sử dụng và tối ưu hóa nguồn năng lượng Việt Nam.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Sáng 24/8, Bộ Công Thương, Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội và Tập đoàn Simens phối hợp tổ chức Hội thảo “Năng lượng bền vững – hướng tới một nền kinh tế có mức phát thải thấp”.

Tại hội thảo, các chuyên gia, lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu về năng lượng đã cùng đánh giá tác động bối cảnh năng lượng thế giới đối với Việt Nam và thảo luận về các cách thức và giải pháp nhằm phát triển hệ thống năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Với 4 thách thức chính là: Cung cấp năng lượng tin cậy, giá cả hợp lý, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Hiện nay, Việt Nam đang tối ưu hóa sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng cũng như thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Nhưng nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, đòi hỏi nhu cầu năng lượng ngày càng lớn. Ngoài việc không ngừng phát huy nội lực, Việt Nam cần quyết tâm giải quyết 4 thách thức nêu trên với sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5%/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng tăng trung bình 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong giai đoạn từ 2011-2016.

Ước tính, năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc của Việt Nam khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và nhu cầu này dự báo sẽ tăng lên mức 100-110 triệu TOE vào năm 2020.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, với nhu cầu năng lượng như trên, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu năng lượng.

Cụ thể, năm 2017, Việt Nam phải nhập khẩu 10 triệu tấn than phục vụ nhu cầu trong nước và dự tính lượng than nhập khẩu sẽ lên tới 100 triệu tấn vào năm 2030.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc khu vực của Tập đoàn Simens, Armin Bruck cho biết: “Để đảm bảo cung cấp năng lượng tin cậy và tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng, Việt Nam cần phát huy cao nhất mức độ sử dụng năng lượng hiệu quả bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, thay đổi từ mô hình điện tập trung cho đến mô hình điện phân bố,…trong lộ trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.

Về phía Bộ Công thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng: “Việt Nam đã và đang huy động những nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ cho phát triển điện lực, đảm bảo cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong đó, tập trung tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng cũng như thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”.

Với tâm thế luôn sẵn sàng và giúp đỡ Việt Nam phát triển năng lượng bền vững và sử dụng nó một cách hiệu quả, ông Wolfgang Manig, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cho biết: “CHLB Đức từ nhiều năm qua đã hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lượng bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua chương trình hợp tác song phương cũng như khu vực tư nhân”.

“CHLB Đức sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm có được trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Cùng với những đối tác mạnh mẽ giống như Việt Nam, CHLB Đức đang đi tiên phong trong việc hướng tới giảm thiểu phát thải cacbon trong nền kinh tế, đây là một điều thiết yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay”, ông Wolfgang Manig nói.

H.Nhung (th)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đối mặt với 4 thách thức về năng lượng