Việt Nam: Lần đầu tiên nhân bản thành công lợn ỉ từ tế bào soma

Châu Anh|15/03/2021 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Lần đầu tiên, các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi nghiên cứu nhân bản lợn Ỉ thành công từ tế bào soma mô tai, 4 chú lợn con đã chào đời khỏe mạnh.

Các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ nhân bản lợn ỉ từ tế bào soma ở mô tai.

Thăm và làm việc với Viện Chăn nuôi về nhân bản lợn ỉ ngày 14/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá đây là một bước tiến vượt bậc, quan trọng về khoa học công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân bản động vật, khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế nền khoa học công nghệ của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Lợn ỉ được nhân bản thành công từ tế bào soma.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đánh giá cao nhóm nghiên cứu của Viện Chăn nuôi đã chọn đúng đối tượng vì con lợn vẫn là đối tượng chiếm tỷ trọng chính trong thực phẩm Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là con cần phục hồi vì đây là đặc sản, đặc hữu của Việt Nam.

“Các nhà khoa học vừa sáng tạo, vừa kiên trì tận dụng tốt những thành tựu của thời đại biến thành kết quả của Việt Nam trong điều kiện trang thiết bị, vật chất rất hạn chế”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, các nhà khoa học đã ngày đêm nỗ lực nghiên cứu, thực hiện thành công công nghệ nhân bản động vật với quy trình tạo dòng “tế bào cho” từ mô tai lợn Ỉ, sử dụng trong quá trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản.

Bên cạnh đó là quy trình tạo dòng “tế bào nhận” có màng sáng hoặc không có màng sáng được sử dụng cho quá trình cấy chuyển nhân tế bào và tạo phôi lợn nhân bản; quy trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản với tỷ lệ tạo phôi nang lợn Ỉ nhân bản đạt cao; quy trình cấy chuyển phôi lợn nhân bản.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi đã xây dựng, chuẩn hoá và đưa vào ứng dụng các công nghệ, phương pháp mới, đơn cử như tạo tế bào trứng nhận không có màng sáng (zona pellucida) trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn rất hạn chế.

Ưu điểm của phương pháp này là dễ thao tác khi cấy chuyển nhân “tế bào cho”, tạo được nhiều phôi trong thời gian ngắn. Mặt khác, việc cấy chuyển phôi lợn 5 – 6 ngày tuổi đã nâng cao tỷ lệ thụ thai từ 24% (ở mức trung bình trên thế giới) lên 61%. Chính vì vậy, ngày 10/3/2021 đã có 4 lợn Ỉ nhân bản ra đời, khỏe mạnh và phát triển tốt.

Châu Anh 

Bài liên quan
  • Kiên Giang: Phát hiện cơ sở kinh doanh tôm chứa tạp chất
    Moitruong.net.vn – Vào lúc 18 giờ ngày 11/3, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT Kiên Giang phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, bắt giữ 100kg tôm thẻ chứa tạp chất tại một hộ kinh doanh ở xã Hòa Điện, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam: Lần đầu tiên nhân bản thành công lợn ỉ từ tế bào soma
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.