– Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến đông đảo nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất vacxin để bàn định hướng cho nghiên cứu vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại nước ta.
>>> Gìn giữ màu xanh của Trái Đất từ những hành động nhỏ
>>> Số lượng nhà máy nhiệt điện than trên toàn cầu đang giảm mạnh
Ảnh minh họa
Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NNPTNT), xác định nghiên cứu, sản xuất vaccine là một trong những giải pháp cần thiết phải triển khai để đối phó lâu dài với dịch tả lợn Châu Phi (ASF).
Mới đây, tại cuộc gặp mặt xin ý kiến các chuyên gia và các DN về vaccine (29.3), Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) – ông Phạm Văn Đông – cho rằng, nghiên cứu, sản xuất vaccine nên tập trung theo 3 hướng: Một là sản xuất vaccine nhược độc tự nhiên (phân lập, lựa chọn chủng virus độc lực thấp từ các đàn lợn nhiễm virus nhưng không chết để sản xuất vaccine).
Hai là, nghiên cứu sản xuất vaccine nhược độc nhân tạo bằng cách sử dụng các công nghệ sinh học để xác định, loại bỏ các đoạn gen gây độc của virus, hoặc nuôi cấy virus qua nhiều đời (trên 80 đời, giống vaccine dịch tả lợn cổ điển mà Việt Nam đã SX thành công).
Ba là, sản xuất vaccine tái tổ hợp AND, bằng cách xác định được các kháng nguyên có khả năng tạo miễn dịch bảo hộ để cấy vào các véc-tơ khác…
Nguyên nhân khiến việc nghiên cứu, SX vacxin dịch tả lợn Châu Phi gặp nhiều khó khăn so với các dịch bệnh khác, đó là virus có cấu trúc hết sức phức tạp. Virus có dạng hình khối, có kích thước 200nm, có vỏ bọc và có tới 160 – 167 protein khác nhau, với 23 – 24 kiểu gen (genotype) khác nhau. Virus nhân lên trong đại thực bào và rất khó hoặc không kích thích sinh ra kháng thể trung hòa trong cơ thể lợn.
Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định được loại kháng nguyên nào dùng để SX vacxin giúp lợn có cả đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch trung gian qua tế bào.
Còn theo GS TS Cù Hữu Phú – Giám đốc Nhà máy sản xuất vaccine của Cty Cổ phần thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet, hiện nay, Việt Nam chỉ nên tập trung cho nghiên cứu vaccine dịch tả lợn Châu Phi theo hướng vaccine nhược độc. Bởi các hình thức nghiên cứu SX vaccine dịch tả lợn Châu Phi khác như vaccine tái tổ hợp, vaccine nhược độc nhân tạo, vaccine tiêu phần… các nước trên thế giới mặc dù có nền tảng công nghệ sinh học rất tiên tiến, đã nghiên cứu nhiều chục năm nay, nhưng chưa ra được sản phẩm.
Theo GS TS Cù Hữu Phú, trong 3 hướng để SX vaccine dịch tả lợn Châu Phi nhược độc, hướng cắt chuyển gen để tạo ra một chủng mới là hướng mà thế giới đã làm và cho thấy không hiệu quả, vì thế Việt Nam không nên lặp lại do cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian chúng ta có hạn.
Hướng thứ hai là tạo ra các chủng nhược độc qua cấy truyền nhiều đời, đây là hướng mà chúng ta nên làm, nhưng chưa phải làm ngay được bây giờ. Vì vậy, việc nghiên cứu, SX vaccine dịch tả lợn Châu Phi nhược độc ở nước ta, trước mắt nên tập trung vào hướng vaccine nhược độc tự nhiên, dựa trên phân lập và lựa chọn chủng virus có sẵn tại các vùng dịch.
“Chúng ta nên tập trung cho hướng điều tra dịch tễ, nhưng không chỉ là phân lập các chủng cường độc ở các vùng dịch hiện nay, mà cần xác định theo hướng điều tra xem tại các vùng dịch, các đàn lợn có xuất hiện kháng thể dịch tả lợn Châu Phi hay không? Nếu có kháng thể, thì chứng tỏ trong cơ thể nó đã từng tồn tại một chủng virus nhược độc nào đó. Chủng nhược độc này chính là một tiền đề rất tốt để có thể nhanh chóng SX được vaccine” – GS Cù Hữu Phú nêu ý kiến.
Còn theo ông Trần Xuân Hạnh – Phó TGĐ Cty CP Thuốc thú y Trung ương, xung quanh vaccine được SX thử nghiệm từ virus nhược độc tự nhiên vừa qua trên thế giới cũng có rất nhiều thách thức, bởi khi tiêm cho lợn thì xảy ra phản ứng rất nặng, nhưng khi bớt đi yếu tố độc lực của vaccine, thì miễn dịch lại mất đi. Vì thế cho thấy hướng SX vaccine từ chủng giống nhược độc tự nhiên cũng là hướng tốt, nhưng không hề dễ dàng.
Vấn đề nữa, đó là cần tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu để phân lập virus trên diện rộng tại các vùng dịch, xem virus DTLCP tại Việt Nam hiện nay chỉ có một genotype II, hay còn những genotype nào khác nữa để có định hướng chọn chủng SX vacxin cho phù hợp. Về phía Học viện, đến nay đã giải trình tự gen đối với virus thu thập được ở 7 tỉnh thành, cho thấy chỉ có genotype II, song thời gian tới sẽ phải tiếp tục giải trình tự gen đối với virus ở nhiều vùng khác.
Minh Ngọc (t/h)