Tiêm vacxin phòng Covid-19 cho người dân TP.HCM tại nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: D.P
Điểm mới của chiến dịch tiêm chủng
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử vì từ trước tới nay, dù nước ta tổ chức nhiều chiến dịch tiêm, gần nhất là tiêm 23 triệu liều vaccine sởi – rubela cho trẻ nhưng chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lần này được triển khai trên quy mô lớn, đảm bảo tiêm chủng 150 triệu liều trong 9 tháng, nhằm tăng độ bao phủ vaccine cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo Bộ trưởng, chiến dịch này có nhiều điểm thay đổi so với chương trình tiêm chủng quốc gia lâu nay của nước ta và đã đang thực hiện.
Thứ nhất, vấn đề vận chuyển, phân phối, bảo quản vaccine. Chúng ta đã thiết lập nên một hệ thống bảo quản hoàn toàn mới dựa vào lực lượng quân đội, là vaccine sẽ bảo quản tại các kho của các Quân khu mà Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế đã phối hợp thiết lập đạt tiêu chuẩn bảo quản GSP. Vaccine từ đó chuyển tới tất cả các điểm tiêm ở các quận, huyện của các địa phương một cách nhanh nhất mà vẫn đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng.
Thứ hai, huy động một lực lượng lớn tổ chức tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm di động và cố định. Chúng ta dựa vào mạng lưới hệ thống y tế cơ sở của dân sự và y tế của quân đội, công an để triển khai đồng loạt công tác tiêm chủng, từ đó tăng tiến độ bao phủ vaccine cho nhân dân.
Thứ ba, đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng, “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khoẻ sau tiêm được triển khai trên toàn tuyến. Cùng với đó các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực của điều trị, dự phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm để có thể xử lý mọi việc kịp thời.
Thứ tư, Bộ Y tế đã sửa tất cả các hướng dẫn chuyên môn trên nguyên tắc đảm bảo cho người tiêm.
Thứ năm, phối hợp một cách chặt chẽ và đẩy mạnh ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng. Đáng lưu ý nhất là ứng dụng “Sổ Sức khoẻ điện tử” với các thông tin về tiêm chủng như đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm… Từ đó hình thành nên mã số cho mỗi người dân đã tiêm để cấp QR Code. Mã QR Code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vaccine” sau này.
Với sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng một nền tảng ứng dụng trong tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19.
Thứ sáu, thiết lập giám sát chất lượng vaccine. Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng đã thành lập tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng, hoạt động mang tính chất độc lập tương đối để giám sát mọi hoạt động của quy trình tiêm chủng từ vận chuyển, bảo quản, phân bổ và tiêm chủng.
Đây là những điểm mới cơ bản của chiến dịch tiêm chủng lần này.
Ưu tiên cho địa phương có dịch
Trong chiến dịch này, Bộ Y tế đưa ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng và bốn nhóm tỉnh, TP được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine COVID-19 qua nhiều kênh khác nhau. Đến nay, đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới nhận tổng cộng 5,5 triệu liều từ nhiều nguồn phân phối, do đó kế hoạch tiêm chủng lớn nhất lịch sử sẽ được cập nhật theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vaccine. Đây là căn cứ để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19.
Để đạt mục tiêu này và trong bối cảnh vaccine về Việt Nam với số lượng lớn trong thời gian tới, Việt Nam cần tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và nhiều bộ, ngành.
Chiến dịch tiêm chủng này phải được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, bao gồm cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế.
Chiến dịch triển khai trên quy mô toàn quốc, ưu tiên cho bốn nhóm tỉnh, TP, gồm: Các tỉnh, thành đang có dịch; các tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm; các tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư và các tỉnh, TP có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.
Bộ Y tế lưu ý các bệnh viện trung ương, tỉnh, TP, bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm, đặc biệt là ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất một đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng.
Các bệnh viện đa khoa tỉnh, TP cũng phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực (tối thiểu năm giường/bệnh viện) để sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.
Bao phủ 70% dân số
Về mục tiêu đặt ra sẽ bao phủ hơn 70% dân số Việt Nam được tiêm vaccine COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, mục tiêu trên ngay từ đầu đã được đặt ra đối với tất cả những người Việt Nam trên 18 tuổi.
Sau khi tính toán, Bộ Y tế trình Bộ Chính trị, Chính phủ Nghị quyết về vấn đề tiêm vaccine. Việt Nam cũng đang rất cố gắng để mua 150 triệu liều vaccine tiêm cho người dân. Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vaccine toàn cầu, nên dù đã có hợp đồng mua từ tháng 11/2020, những cam kết thỏa thuận từ tháng 9/2020 nhưng đến nay nước ta mới có vaccine và tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021.
Tuy nhiên, sau tháng 9/2021, lượng vaccine về Việt Nam sẽ nhiều, vì thế việc đặt ra là phải tăng độ bao phủ với người dân.
Đây chính là lý do tại sao Nghị quyết của Chính phủ lại quy định về ưu tiên tiêm vaccine, trước hết ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, cho những địa phương có dịch và những địa bàn tuyến đầu về phát triển kinh tế xã hội để đảm bảo đạt được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
“Đây cũng chính là ưu tiên của chiến dịch tiêm chủng vaccine ở nước ta, đồng thời chúng ta cũng phải quan tâm đến tất cả các đối tượng tiêm chủng. Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một điều quan trọng là tiêm chủng trong chiến dịch là miễn phí”, ông Long nói.
Minh Hoàng