Việt Nam tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban kỹ thuật thường trực WCO
Tại phiên họp lần thứ 247/248 của Ủy ban kỹ thuật thường trực (PTC) thuộc Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) vừa kết thúc tại Brussels (Bỉ), Việt Nam đã tiếp tục được các thành viên WCO tín nhiệm tái cử giữ cương vị Chủ tịch PTC nhiệm kỳ 2025 - 2026.
Sự kiện này khẳng định vị thế và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong việc định hình các chính sách và hoạt động của ngành hải quan toàn cầu, đồng thời ghi nhận những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam trong nhiệm kỳ chủ tịch vừa qua.
Diễn ra tại trụ sở WCO ở Brussels, phiên họp đã thu hút sự tham gia của gần 300 đại biểu là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hải quan đến từ các cơ quan thành viên, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Phòng Thương mại quốc tế (ICC), khu vực tư nhân và các cơ sở nghiên cứu trên toàn cầu.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu rộng nhằm xây dựng các giải pháp và chiến lược để ngành hải quan toàn cầu ứng phó hiệu quả những thách thức đa chiều hiện nay, gồm tác động của biến đổi khí hậu, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và sự gia tăng vượt bậc của khối lượng thương mại quốc tế, đặc biệt là sự bùng nổ của thương mại điện tử.
Việc Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch PTC nhiệm kỳ 2025 - 2026, do bà Nguyễn Thị Vĩnh Hoài - Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO - điều hành, là minh chứng cho sự tin tưởng và đánh giá cao của cộng đồng hải quan quốc tế với năng lực lãnh đạo và đóng góp thực chất của Việt Nam trong việc thúc đẩy các sáng kiến quan trọng của WCO.
Trong 4 ngày làm việc khẩn trương và hiệu quả, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực then chốt. Về thương mại điện tử - một ưu tiên chiến lược của WCO, phiên họp đã có phiên thảo luận chuyên sâu, tập trung vào những vấn đề như xử lý hiệu quả lượng hàng hóa giá trị thấp, tăng cường hợp tác với các đối tác liên quan và ứng dụng công nghệ số hiện đại để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời đảm bảo sự hài hòa giữa tạo thuận lợi thương mại và tuân thủ các quy định pháp luật.
Trong lĩnh vực xây dựng và củng cố mạng lưới hải quan toàn cầu, PTC đã thảo luận về nền tảng trao đổi dữ liệu hải quan toàn cầu (CDEP), một công cụ tiềm năng để tăng cường hợp tác quốc tế, giảm thất thu thuế và cải thiện kiểm soát rủi ro thông qua trao đổi dữ liệu tự động theo thời gian thực.
Liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa, phiên họp đã thông qua kết quả nghiên cứu khả thi về Khung kết nối cho Giấy chứng nhận xuất xứ - một bước tiến quan trọng trong nỗ lực số hóa và tăng cường hợp tác hải quan. PTC cũng ghi nhận những cập nhật hướng dẫn của WCO về việc xử lý các hành vi bất thường về xuất xứ.
Dự án hải quan thông minh cũng nhận được sự đánh giá cao, với những kết quả cụ thể như việc xây dựng và cập nhật báo cáo nghiên cứu về công nghệ đột phá, công bố nghiên cứu chuyên sâu về thách thức triển khai và ra mắt cổng thông tin Cộng đồng hải quan thông minh.
Về thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA), các nội dung trong chương trình Mercator đã được cập nhật nhằm hỗ trợ các chính phủ triển khai hiệu quả các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.
Trong nỗ lực thúc đẩy Hải quan Xanh, PTC đã thảo luận và đưa ra các hướng dẫn mới để thực hiện Kế hoạch hành động Hải quan Xanh, nhấn mạnh vai trò của cơ quan hải quan trong việc giải quyết các thách thức về môi trường.
Ủy ban cũng đã ghi nhận và đưa ra các hướng dẫn mới để thực hiện các hoạt động trong Kế hoạch hành động đối với biên giới dễ bị ảnh hưởng, nhằm duy trì an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Bên cạnh đó, phiên họp đã xem xét tiến trình sửa đổi Khung tiêu chuẩn SAFE, thảo luận về việc đưa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tham gia vào chương trình Nhà điều hành kinh tế được ủy quyền (AEO), các hướng dẫn thực hành về khu vực tự do, kết quả nghiên cứu thời gian giải phóng hàng, xây dựng cơ chế đánh giá hiệu suất hoạt động hải quan (PMM), và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) trong quản lý hải quan.
Phát biểu bế mạc phiên họp, bà Nguyễn Thị Vĩnh Hoài nhấn mạnh trong bối cảnh ngành hải quan toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội, việc tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy đổi mới và ứng dụng công nghệ, nâng cao khả năng thích ứng và phát triển bền vững là vô cùng quan trọng để thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc Việt Nam tiếp tục giữ vai trò chủ tịch PTC là cơ hội để Việt Nam đóng góp mạnh mẽ hơn nữa vào sự phát triển của ngành hải quan thế giới trong giai đoạn tới.