Tất cả các cá thể tê tê được Vườn Quốc gia Cúc Phương và SVW tái thả lần này đều được cứu hộ từ các vụ buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép. Là trung tâm cứu hộ tê tê chuyên biệt đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và cũng là trung tâm cứu hộ được nhiều tê tê nhất Việt Nam hiện nay, kể từ khi thành lập, SVW đã trực tiếp thực hiện cứu hộ 1.671 cá thể tê tê, hơn 60% các cá thể được cứu hộ đã được tái thả về lại tự nhiên.
Hành trình về lại ngôi nhà tự nhiên của 12 cá thể tê tê lần này kéo dài trong hai ngày (17-19/2) với quãng đường di chuyển gần 1.500km.
khi được các cán bộ của SVW giải cứu từ các vụ buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép, 12 cá thể tê tê trong tình trạng sức khỏe tồi tệ, bị nhồi nhét thức ăn với các vết thương từ việc bẫy bắt.
Sau khoảng 6 -8 tháng được điều trị bởi các cán bộ chăm sóc, các bác sĩ thú y, trình trạng sức khỏe của 12 cá thể tê tê đã được phục hồi và đủ tiêu chuẩn tái thả về lại với tự nhiên, về môi trường sống của chúng. Sự kiện tái thả 12 cá thể tê tê lần này có ý nghĩa hơn đối với chúng tôi nhân sự kiện hướng tới ngày Tê Tê Thế giới.
Vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (SVW) tái thả 12 cá thể tê tê Java
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW cho biết: “SVW mong muốn sự kiện tái thả lần này sẽ giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn về lý do tại sao chúng ta nên bảo tồn tê tê – loài động vật bị buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất trên thế giới, khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Chúng tôi mong muốn nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn loài tê tê nói riêng và ĐVHD nói chung.
Hãy “Không ăn, không mua bán, không sử dụng, không săn bắt” các sản phẩm từ ĐVHD trái phép và và cùng lên tiếng đấu tranh ngăn chặn các hành động ăn, sử dụng, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép”.
Ngày Tê tê Thế giới, được tổ chức vào ngày thứ Bảy tuần thứ ba của tháng Hai hàng năm, là ngày lễ kỷ niệm trên toàn thế giới nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tình trạng nguy hiểm của loài tê tê.
Trên thế giới có tám loài tê tê, trong đó Việt Nam có hai loài là tê tê Java và tê tê vàng, và cả hai loài này đều nằm trong danh sách Cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách đỏ IUCN do nạn săn bắt và buôn bán quá mức. Ngoài ra, tê tê Java, với tên khoa học là Manis javanica, cũng đang là loài thuộc nhóm IB, nhóm nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ
Trọng Huy