Vấn đề hôm nay

VUSTA góp ý vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Hải Đăng 23/04/2025 19:06

Ngày 23/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 đã tạo khung pháp lý cơ bản cho hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động hiệu quả.

0edf774de6f855a60ce9-17453835302862094435313.jpg
PGS.TS.Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, sau 8 năm, với bối cảnh và tình hình mới, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tác động rất sâu rộng tới các hoạt động của báo chí, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) so với Luật Báo chí 2016 có một số điểm mới như: Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, bổ sung qui định để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, quy định chi tiết để phân biệt giữa báo và tạp chí, điều kiện cấp thẻ nhà báo…

"Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập; bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", PGS.TS. Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh.

Theo PGS, TS Phạm Ngọc Linh, hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hiện có 70 cơ quan báo chí, đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến tri thức, công bố kết quả nghiên cứu, kết nối nhà khoa học với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc lấy ý kiến của các cơ quan báo chí trong hệ thống về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cho thấy trách nhiệm xây dựng chính sách, pháp luật, cũng như thể hiện tiếng nói, đóng góp của các cơ quan báo chí trong hệ thống trong việc xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

330d86c6fd724e2c1763-1745383574772114207924.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA) đánh giá, Dự thảo luật thể hiện sự tiếp thu và cập nhật các xu hướng mới của hoạt động báo chí, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số, mạng xã hội và sự phát triển của báo chí đa phương tiện. Tuy nhiên, một số khái niệm còn chồng lấn, chưa rõ ràng giữa “sản phẩm báo chí” và “sản phẩm thông tin có tính chất báo chí”.

TS. Lê Công Lương cũng đề nghị dự thảo luật có quy định cụ thể hơn cơ chế tài chính tự chủ, cơ chế đặt hàng công bằng giữa báo chí công và tư, để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh trong môi trường báo chí hiện đại; có chương riêng về "Chuyển đổi số báo chí" – quy định rõ lộ trình, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, cơ sở hạ tầng số cho cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan báo chí địa phương, vùng sâu vùng xa...

Cũng theo TS. Lê Công Lương, các tạp chí đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức; thiếu cơ chế chính sách rõ ràng về tự chủ tài chính, xã hội hóa hoạt động tạp chí; chồng lấn về chức năng giữa “tạp chí khoa học” và “tạp chí có tính chất báo chí” chưa được phân định rõ trong dự thảo Luật...

Do đó, TS. Lê Công Lương đề nghị dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) phân biệt rõ giữa tạp chí khoa học (nơi công bố công trình nghiên cứu, phản biện khoa học) và tạp chí thông tin chuyên ngành, phổ biến kiến thức. Hai loại hình này có đặc điểm, đối tượng phục vụ và tiêu chí vận hành khác nhau, nên cần quy định phù hợp về cấp phép, tiêu chuẩn nội dung, đội ngũ.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số cho tạp chí khoa học như: Đưa nội dung hỗ trợ số hóa tạp chí vào chiến lược phát triển báo chí quốc gia; cấp mã định danh số quốc gia cho từng tạp chí (tương tự như mã định danh ISBN trong xuất bản); hỗ trợ hạ tầng số và công cụ quản lý biên tập, xuất bản điện tử.

Nhà báo Đặng Đình Chấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập đánh giá Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng báo chí tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có tư duy đổi mới, tạo không gian phát triển thực chất cho báo chí khoa học, đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong dự thảo luật cần xác định và phân loại rõ các tạp chí khoa học, bởi ở nước ta hiện nay nhiều tạp chí khoa học mang tính ứng dụng, tính xã hội cao, gắn nghiên cứu với thực tiễn phát triển xã hội. Bên cạnh đó, nhiều tạp chí khoa học còn gắn liền với nhiệm vụ truyền thông phổ biến kiến thức cho cộng đồng xã hội.

Ngoài ra, việc hoàn thiện dự thảo cần hướng đến sự bổ sung chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, càng làm nghiêm minh việc này thì càng tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, các tạp chí khoa học chân chính phát triển ngày một lành mạnh và hữu ích hơn.

Về việc cấp thẻ nhà báo, ông Đặng Đình Chấn cũng đề xuất việc cấp thẻ nhà báo cho người làm tại tạp chí khoa học nên tiếp tục duy trì theo quy định hiện hành, với phạm vi tác nghiệp được xác định rõ ràng để tránh tình trạng lạm dụng.

Đồng quan điểm, Nhà báo Trần Trọng An, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia Đình Mới cũng cho rằng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã thể hiện nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc hiện đại hóa quản lý báo chí, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và thích ứng với không gian số. Tuy nhiên, để luật có hiệu lực thực tiễn cao, cần bổ sung các quy định chi tiết, minh bạch và cơ chế bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

Bài liên quan
  • Ủy ban Pháp luật và Tư pháp họp Phiên toàn thể thứ hai
    Trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân; Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
VUSTA góp ý vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.