– Nhiều năm trở lại đây, người dân tại thôn Phương Viên xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội vô cùng bức xúc, về tình trạng trạm trộn bê tông thương phẩm thuộc Công ty cổ phần bê tông và xây dựng An Khánh( công ty bê tông An Khánh) hoạt động xây dựng trái phép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài trong nhiều năm khiến cuộc sống dân sinh bị đảo lộn.
Hoạt động bất chấp pháp luật
Theo ghi nhận của phóng viên Môi Trường & Cuộc Sống tại thôn Phương Viên xã Song Phương huyện Hoài Đức, Hà Nội được biết: đường sá nơi đây luôn luôn trong tình trạng bụi bặm, mưa thì lầy lội, bê tông rơi vãi ra ngoài đường, nhiều người dân đi qua thường xuyên phải bịt khẩu trang để tránh bụi bê tông, nước thải trạm trộn xả thải trực tiếp ra đồng ruộng không qua xử lý khiến bà con không canh tác được, cây trồng bị phủ trắng lớp bụi xi măng khiến năng suất giảm rõ rệt.
Qua tìm hiểu phóng viên được biết Công ty bê tông An Khánh bắt đầu hoạt động ngày21/03/ 2005. Lúc đó Công Ty Sông Đà 2, có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đứcvà UBND xã Song Phương về việc xin lắp dựng trạm để phục vụ thi công xây dựng, mở rộng đường Láng – Hòa Lạc trên khu đất nông nghiệp tại khu Thủy Dậng, xã Song Phương do ông Đặng Đình An quản lý và sử dụng.Ngày 04/04/2005, UBND huyện Hoài Đức có văn bản số 97/UBND gửi UBND tỉnh Hà Tây về việc đề nghị cho Công Ty Sông Đà 2 đặt trạm trộn bê tông tại xã Song Phương, có nội dung “ UBND huyện Hoài Đức đồng ý chấp thuận cho Công Ty Sông Đà 2 thuộc Tổng công ty Sông Đà được mượn 1.500m2 đất màu tại xã Song Phương để đặt trạm trộn bê tông nhằm phục vụ thi công tuyến đường Láng – Hòa Lạc …” Đến năm 2009, giữa công ty Sông Đà 2 có hợp đồng giao khoán số 24-2009/HĐGK với ông Trần Mạnh Hùng là giám đốc công ty bê tông An Khánh để quản lý và sử dụng trạm trộn đến khi Đại lộ Thăng Long đi vào hoạt động và sau đó trạm phải dừng hoạt động, phải hoàn nguyên môi trường và trả lại nguyên trạng như lúc ban đầu.
Công Ty Cổ Phần Bê Tông và Xây Dựng An Khánh xả thải ra trực tiếp tại nơi sản xuất, không có hệ thống xử lý nước thải
Qua đó, Ngày 24/04/2016 UBND xã Song Phương phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành do Sở xây dựng chủ trì tiến hành làm việc với công ty bê tông An Khánh và thiết lập biên bản vi phạm hành chính. Yêu cầu phá dỡ công trình xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng, trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày lập biên bản mà công ty bê tông An Khánh không tự tháo dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định của pháp luật. Nhưng đến ngày 21/10/2016, thời điểm phóng viên có mặt, công ty bê tông An Khánh vẫn không chấp hành tự tháo dỡ, ngang nhiên hoạt động coi thường pháp luật?
Chính quyền có làm hết trách nhiệm?
Trước tình trạng bất chấp pháp luật của công ty bê tông An Khánh. Ngày 18/08/2016, UBND huyện Hoài Đức phối hợp cùng UBND xã Song Phương lập tổ kiểm tra đối với công ty bê tông An Khánh. Qua quá trình kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện ra nhiều sai phạm: Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, giấy phép khai thác nước ngầm, giấy phép xả thải, giấy phép xây dựng, báo cáo quan trắc hiện trạng môi trường năm 2016…Tổ kiểm tra yêu cầu công ty phải hoàn thiện hồ sơ và nộp về phòng TN&MT huyện Hoài Đức trước ngày 25/08/2016.
Trao đổi với phóng viên Môi Trường & Cuộc Sống, ông Nguyễn Đức Khoa Chủ tịch UBND xã Song Phương cho biết: “Công ty bê tông An Khánh hoạt động trên địa bàn đã lâu theo cơ sở pháp lý thì công ty này chỉ là dựng lán tạm thời xây dựng phục vụ cho tuyến đường Láng – Hòa Lạc, đến nay thì cũng đã hết hạn chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với huyện lập biên bản yêu cầu di dời, phá dỡ công trình. chúng tôi đã làm đơn đề nghị lên cấp trên để giải quyết tình trạng này. Nhưng đến nay, công ty vẫn không chấp hành, ngang nhiên hoạt động trái phép coi thường kỉ cương pháp luật”.
Trước những thực trạng,công ty bê tông An Khánh hoạt động gây ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép coi thường pháp luật, dư luận có quyền đặt câu hỏi, phải chăng đứng sau công ty có thế lực nào đang “chống lưng” cho hoạt động sai phạm của mình? Và trách nhiệm của UBND xã Song Phương và UBND huyện Hoài Đức đến đâu?
Ngoài ra, trong quá trình tác nghiệp chúng tôi còn được người dân cung cấp thêm nhiều sai phạm về tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và gây ô nhiễm môi trường, điển hình như: Công ty TNHH bê tông Linh Đan, Công ty Đức Phương và Hộ kinh doanh tái chế nhựa của ông Dương. Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc trong số báo tiếp theo.
Theo Diệp Bắc(Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)