Xây dựng Huế thành Thành phố sáng tạo và thân thiện môi trường

28/11/2019 06:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 27/11, tại TP Huế, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Diễn đàn Đối thoại Sử học với chủ đề “Xây dựng Huế thành Thành phố sáng tạo và thân thiện môi trường”.

Phát biểu khai mạc hội thảo ông Nguyễn Dung – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tham mưu tổ chức diễn đàn đối thoại sử học với chủ đề “Xây dựng Huế trở thành thành phố sáng tạo và thân thiện với môi trường”. Ông Nguyễn Dung mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận, trao đổi, phản biện, đưa ra các cứ liệu khoa học khách quan và giải pháp thiết thực nhất cho tỉnh trong xây dựng tính chất đặc thù về phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế trong giai đoạn tới.

Xây dựng Huế thành Thành phố sáng tạo và thân thiện môi trường.

Trình bày về chuyên đề Luận chứng xây dụng Huế thành Thành phố sáng tạo và thân thiện với môi trường mang tính đột phá, sáng tạo và tạo được sự chú ý đối với các nhà khoa học và nhà nghiên cứu Huế. TS. Cung Trọng Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai đồng bộ một số giải pháp thực hiện với quan điểm “Phát triển nhanh dựa trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa”.

“Đối với quan điểm phát triển Huế trở thành Thành phố Xanh, sáng tạo và thân thiện với môi trường, lãnh đạo tỉnh vừa triển khai nhiều giải pháp trong thời gian qua, trong đó tập trung một số mảng như: Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Huế đồng bộ theo hướng thành phố vườn, đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường; Phát huy vị thế 4 trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước, y tế chuyên sâu, khoa học – công nghệ và giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; nâng cao công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường.” Ông Cường cho biết.

Quang cảnh Diễn đàn

TS. Cung Trọng Cường cho rằng, căn cứ các chiến lược phát triển, định hướng phát triển và qua phân tích một số vấn đề liên quan thì có thể thấy cơ hội cho tỉnh Thừa Thiên Huế có thể phát triển theo định hướng “Sáng tạo – Công nghệ – Nghệ thuật theo hướng thân thiện môi trường”.

Tại Diễn đàn, TS Cung Trọng Cường đưa ra một số định hướng để xây dựng Huế trở thành Thành phố sáng tạo – công nghệ và thân thiện với môi trường như: Nêu rõ Quan điểm phát triển của tỉnh đến năm 2030 là Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành Đô thị di sản theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng để có thể phát triển kinh tế bền vững. Cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức; Xây dựng đô thị thông minh, phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản Cố đô Huế; xây dựng nông thôn mới gắn với tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

TS. Cung Trọng Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày tham luận tại Diễn đàn.

“Mục tiêu của chiến lược phát triển lĩnh vực sáng tạo và công nghệ là phát triển doanh nghiệp về lĩnh vực CNTT và truyền thông, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, các lĩnh vực về công nghệ cao liên quan, tăng tỷ lệ đóng góp cho GDP cho Thừa Thiên Huế. Trong đó tập trung hỗ trợ và xây dựng chuỗi giá trị về lĩnh vực Công nghiệp công nghệ thông tin, trong đó tập trung các lĩnh vực như Du lịch thông minh, phục vụ văn hóa, di sản; Lĩnh vực Y tế; Đô thị thông minh; Phân tích dữ liệu, trung tâm dữ liệu và AI, Robotics, Blockchain”. Ông Cường nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn lần này, các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh 5 chuyên đề gồm: “Xây dựng Huế trở thành thành phố sáng tạo và thân thiện với môi trường”; “Luận chứng xây dựng Huế trở thành thành phố sáng tạo và thân thiện với môi trường”; “Điều kiện cần thiết để Đại học Huế giữ vững và phát huy vị thế là trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước”; “Xây dựng Huế trở thành Trung tâm Y tế chuyên sâu khu vực miền Trung và cả nước”; “Xây dựng Huế trở thành Trung tâm Khoa học Xã hội và nhân văn” và “Xây dựng Huế trở thành thành phố thân thiện với môi trường”.

Hoàng Dũng – Đinh Văn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Huế thành Thành phố sáng tạo và thân thiện môi trường