Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa

Minh Châu|30/12/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Du lịch văn hóa được xác định là loại hình du lịch quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch. Đặc biệt, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực.

Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Đề án cũng đặt mục tiêu du lịch văn hóa chiếm 20 – 25% trong tổng số khoảng 130 tỉ USD tổng thu từ khách du lịch.

Xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa tập trung vào một số nhiệm vụ chính: Quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, du lịch ẩm thực; chính sách khuyến khích du lịch di sản, du lịch ẩm thực.

Du lịch văn hóa hiện đang là 1 trong 4 dòng sản phẩm du lịch quan trọng của Việt Nam, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế 

Ở Việt Nam hiện nay, sản phẩm du lịch văn hóa: các khu di sản văn hóa thế giới, các bản làng người dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử văn hóa và các làng nghề truyền thống của Việt Nam hiện nay rất thu hút khách quốc tế. Khách nội địa rất thích các điểm du lịch lễ hội.

Mặc dù còn có nhiều tồn tại, nhưng các điểm du lịch văn hóa của Việt Nam nhìn chung đã phát huy được giá trị đích thực của mình, khẳng định vai trò đối với sự phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng. Rất nhiều tour du lịch văn hóa hoạt động thành công tạo ra một thương hiệu cho du lịch Việt Nam như: Tour Con đường di sản miền Trung, tour Các cố đô Việt Nam, tour Con đường xanh Tây Nguyên…

Nhiều khu di sản văn hóa thế giới, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng được du khách trong nước và nước ngoài biết đến như địa chỉ không thể thiếu trong các chuyến du lịch đến Việt Nam. Đó là Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, khu di tích Địa đạo Củ Chi, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, quần thể di tích Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh…

Nhiều lễ hội, bản làng của các tộc người thiểu số, làng nghề truyền thống, làng du lịch cộng đồng được nhắc tới khi nói đến Việt Nam như: hội Đền Hùng, hội Lim, hội Chọi Trâu, lễ xuống đồng…; bản Hồ, bản Tả Phìn (Sa Pa), bản Lác (Mai Châu), bản Đôn (Đắc Lăk)…; làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh)…

Cụ thể, phổ biến nâng cao nhận diện thương hiệu du lịch văn hóa cho các địa phương, doanh nghiệp và đối tác; quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa trên kênh truyền hình trong nước và quốc tế; Tạp chí Du lịch và các báo, tạp chí liên quan; các kênh truyền thông điện tử. Đồng thời tăng cường quảng bá du lịch di sản và du lịch ẩm thực tại các hội chợ du lịch; tuần văn hóa Việt Nam; năm du lịch quốc gia; chương trình giới thiệu điểm đến du lịch; chương trình khảo sát phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực, di sản; chương trình gặp gỡ doanh nghiệp; các sự kiện về ẩm thực và di sản…

Để thực hiện Đề án này, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ VHTTDL trong việc xây dựng Đề án trong khuôn khổ của Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu du lịch văn hóa quốc gia ra thế giới.

Giao Tổng cục Du lịch thực hiện vai trò định hướng, điều phối trong công tác phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa; định hướng thị trường, sản phẩm du lịch văn hóa Việt Nam; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa Việt Nam. Chủ trì phối hợp với bên liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện kế hoạch, bảo đảm triển khai Đề án hiệu quả.

Bên cạnh đó sẽ có đôn đốc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL kết quả triển khai thực hiện Đề án. Các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Tổng cục Du lịch thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án này.

Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp vai trò bảo vệ di sản, giữ gìn phát huy giá trị của di sản, văn hóa ẩm thực, tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia; trên cơ sở định hướng chung về thị trường, sản phẩm có kế hoạch thực hiện các giải pháp, tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến của địa phương.

Đề nghị các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp phối hợp với Tổng cục Du lịch thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa trong xúc tiến du lịch.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa