Xử lý chất thải phát sinh khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo đúng hướng dẫn

Minh Anh|08/03/2021 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cục Quản lý Môi trường Y tế – Bộ Y tế vừa có hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin COVID-19 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong hướng dẫn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ, thực hiện Quyết định số 1210/QĐ-BYT ngày 09/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ và vắc xin từ nguồn khác;

Để chủ động hạn chế nguy cơ ảnh hưởng của chất thải phát sinh trong quá trình tiêm chủng tới sức khỏe và môi trường, Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở tiêm chủng thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn.

Ảnh minh họa

Hướng dẫn nêu rõ, chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là chất thải y tế và phải được phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và các văn bản có liên quan.

Đảm bảo không rơi vãi, phát tán chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế; đảm bảo an toàn cho người thực hiện tiêm chủng, người tham gia quản lý chất thải y tế, người đến tiêm chủng và cộng đồng.

Thực hiện quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin

Phân loại chất thải

Chất thải y tế phát sinh trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được phân loại như sau:

Kim tiêm, bơm tiêm liền kim sau sử dụng thải bỏ và các chất thải lây nhiễm sắc nhọn khác (nếu có): phân loại vào dụng cụ đựng chất thải lây nhiễm, có màu vàng, có thành, đáy cứng không bị xuyên thủng, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.

Bông, băng dính máu, vỏ lọ vắc xin đã dùng hết, lọ đựng vắc xin thừa thải bỏ, khẩu trang, găng tay, trang phục bảo hộ cá nhân thải bỏ (nếu có) và các chất thải lây nhiễm không sắc nhọn khác: phân loại vào túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm, có màu vàng, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.

Lọ vắc xin hết hạn sử dụng hoặc hỏng không sử dụng được do quá trình bảo quản: Phân loại riêng để tiêu huỷ theo quy trình huỷ thuốc hoặc trả lại nhà sản xuất theo thoả thuận với bên cung cấp.

Các chất thải khác (nếu có): thực hiện phân loại theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

Thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải

Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và các văn bản có liên quan.

Bộ Y tế yêu cầu, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn quản lý chất thải trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tới tất cả các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLTBYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và theo hướng dẫn tại Công văn này.

Đồng thời phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo và xin ý kiến phê duyệt của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về phương án vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong trường hợp vượt khả năng xử lý của các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn.

Phối hợp Sở Tài nguyên và môi trường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện tại các cơ sở tiêm chủng và tại cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn.

Cơ sở thực hiện tiêm chủng lập phương án quản lý chất thải phát sinh trong tiêm chủng vắc xin, trong đó xác định rõ dự kiến lượng chất thải phát sinh trong tiêm chủng, biện pháp thu gom, lưu giữ chất thải; công nghệ xử lý chất thải (nếu xử lý tại cơ sở tiêm chủng trong trường hợp cơ sở đã có sẵn công trình/thiết bị xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường) hoặc tên đơn vị có chức năng phù hợp sẽ ký hợp đồng chuyển giao chất thải để xử lý; dự kiến kinh phí cho toàn bộ quá trình quản lý chất thải. Trường hợp không tìm được đơn vị có chức năng phù hợp để chuyển giao chất thải, cơ sở tiêm chủng phải báo cáo Sở Y tế để xin ý kiến Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về phương án xử lý.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quản lý chất thải tới các cán bộ của cơ sở tiêm chủng.

Bố trí đủ túi, thùng, dụng cụ đựng chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn và các chất thải khác phát sinh trong tiêm chủng theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và các văn bản có liên quan.

Thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh từ hoạt động tiêm chủng theo hướng dẫn. Bàn giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý chất thải hoặc tự xử lý tại cơ sở bằng công trình, thiết bị xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo phương án đã được phê duyệt.

Minh Anh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý chất thải phát sinh khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo đúng hướng dẫn