Xuất khẩu sắn hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD vào năm 2023

Thu Hà (T/h)|16/08/2018 07:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Ngày 15/8/2018 vừa qua, tại FLC Thanh Hóa, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm 2013-2018, và Đại hội nhiệm kỳ II, giai đoạn 2018-2023. Thay mặt lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Đức Quyền-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã dự đại hội cùng 111 thành viên Hiệp hội, nhiều chuyên gia Sắn đến từ các nước lân cận, và đặc biệt từ Trung quốc-thị trường đã nhập khẩu đến khoảng 90% tinh bột Sắn nước ta.

Ngành sắn Việt Nam với mục tiêu 2 tỷ USD

Theo báo cáo của Hiệp hội sắn Việt Nam (HHSVN), trước năm 2013, các đơn vị SXKD sắn phân tán, hoạt động manh mún, mất cân đối giữa nhà máy sản xuất và vùng nguyên liệu. Nhằm phát triển ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu sắn, ngày 19/6/2013, HHSVN chính thức được thành lập.

Tính đến nay, HHSVN đã thu hút được 111 thành viên, trong đó có 60% là các đơn vị sản xuất tinh bột lớn của cả nước (chiếm 70% sản lượng xuất khẩu của toàn ngành); 25% là các đơn vị thương mại sắn lát đều là những đơn vị lớn nhất về sản xuất và xuất khẩu sắn lát ở Việt Nam.

Diện tích trồng sắn hiện nay ổn định với trên 530 nghìn ha; năng suất tăng từ 17,2 tấn/ha (2013) lên 18,45 tấn/ha (2017), có vùng đầu tư thâm canh đạt 35 – 40 tấn/ha.

Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới (sau Thái Lan); giá trị xuất khẩu từ năm 2013 đến nay bình quân đạt trên 1 tỷ USD, cao nhất đến 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 4 sau lúa, cà phê, điều. Ngoài thị trường lớn là Trung Quốc, hiện nay, sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam được xuất khẩu sang Nga, Hồng Kông, Nhật bản, Hàn Quốc… Sắn và các sản phẩm từ sắn cũng được Bộ Công thương đưa vào nhóm 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gần đây.

Hiện cả nước có khoảng 150 nhà máy sản xuất tinh bột sắn (TBS), trong đó 73% là nhà máy TBS có quy mô công nghiệp. So với trước đây tăng gấp đôi về số lượng nhà máy và gấp 3 về công suất. Ngành sắn Việt Nam thu hút trên 1,2 triệu lao động, chuyển dịch 50 nghìn lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, chủ yếu là lao động vùng sâu, vùng xa, góp phần công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.

Tại Hội nghị, Ông Nghiêm Minh Tiến- Phó chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam khẳng định trong 9 kỳ họp đã qua của khóa 1, Ban chấp hành Hiệp hội đã nỗ lực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của ngành Sắn cả nước. Hiệp hội đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Công thương, Đại sứ quán các nước để phát triển thị trường, kết nối với các nước, dự Hội nghị sắn quốc tế tại các nước Trung quốc, Nga, Nhật bản; hợp tác, đồng hành cùng chính quyền các địa phương và nông dân hướng tới mục tiêu phát triển ngành sắn bền vững.

Ngoài sắn lát, tinh bột sắn sản xuất được hơn 300 thành phẩm khác nhau. Trong đó nhu cầu sắn lớn nhất sẽ được dùng cho sản xuất xăng sinh học. Nhiều thách thức đặt ra không nhỏ cho nhiệm kỳ sắp tới, để hướng tới mục tiêu xuất khẩu 2 tỉ USD vào năm 2023.

Thu Hà (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Xuất khẩu sắn hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD vào năm 2023
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.