Bình Định: Trên 1.000 ca mắc bệnh chân tay miệng

Nhung Hoàng (th)|14/10/2017 10:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo thông tin trên báo Bình Định, tính đến ngày 1/10 trên địa bàn tỉnh Bình Định ghi nhận trên 1.000 ca mắc bệnh chân tay miệng, tăng 301% so cùng kỳ năm 2016.

Bình Định trên 1.000 ca mắc bệnh chân tay miệng

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, tính đến ngày 1/10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.090 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng, tăng 301% so cùng kỳ năm 2016. Qua đó, cả 11/11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Bình Định đều có số ca mắc, tăng so cùng kỳ năm 2016. Tập trung nhiều nhất ở các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đốp, Bù Đăng, Hớn Quản, Đồng Phú, Chơn Thành… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh và chưa có trường hợp nào tử vong do bệnh tay – chân – miệng gây ra.

Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định cho biết: Bệnh chân tay miệng phát triển mạnh từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12 hằng năm. Hiện tượng mưa nắng thất thường đã tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh phát triển mạnh. Các khu nhà trọ ẩm thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh. Bệnh thường lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch của các bọng nước khi vỡ hoặc qua đường miệng… Bệnh dễ trở nên nguy hiểm với các biến chứng như: Suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê, co giật dẫn đến tử vong trong 48 giờ. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, đặc biệt là các cháu đang đi nhà trẻ, mẫu giáo.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo tránh tiếp xúc với các nguồn lây bệnh, tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, lau sạch nhà cửa, đồ chơi cho trẻ bằng dung dịch sát khuẩn CloraminB 2%. Khi trẻ bị bệnh phải cách ly tại nhà, không cho trẻ đến trường trong tuần đầu bị bệnh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thiếu kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; mua hóa chất CloraminB, xà phòng cấp cho các trường mầm non, mẫu giáo…

Dấu hiệu nhận biết bệnh chân tay miệng chúng ta cần biết:

Dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da…

Nổi ban trên da: Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị chân tay miệng. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước.

Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.

Dấu hiệu nổi ban trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.

Loét miệng: Khi các ban đỏ xuất hiện quanh miệng sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt.

Với những dấu hiệu bệnh chân tay miệng này nhiều cha mẹ lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường. Tuy nhiên, cha mẹ cần hết sức lưu ý với những biểu hiện này, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác bệnh.

Nhung Hoàng (th)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Trên 1.000 ca mắc bệnh chân tay miệng