Thuỷ điện Ngòi Phát xả cửa đáy, rửa hồ chứa
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị Quản lý an toàn đập và hệ thống hồ chứa nước thủy lợi
Theo báo cáo tại hội nghị hiện nay, cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 702 hồ chứa lớn. Tuy nhiên, có tới 1.150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, đặc biệt trong năm 2017 đã xảy ra 23 sự cố hồ đập tại 11/45 tỉnh có hồ.
Bên cạnh đó, quá trình vận hành, đập của hồ chứa thủy lợi hầu hết là đập đất, trải qua thời gian 30 – 40 năm khai thác, nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Các hình thái xuống cấp của các hồ chứa thủy lợi chủ yếu là thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở…
Trong khí đó diễn biến khí tượng thủy văn năm 2018 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường. Nhiều đợt mưa lớn cục bộ nhiều khả năng xuất hiện trong thời đoạn ngắn. Các đợt mưa lớn diện rộng hoặc mưa gây lũ lớn cục bộ trong thời gian ngắn sẽ tiếp tục là nhân tố rất nguy hiểm cho các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa đang trong tình trạng bị hư hỏng, mất an toàn.
Do đó, việc theo dõi thường xuyên diễn biến khí tượng thủy văn và các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo các thời hạn dự báo khác nhau là cần thiết để sớm chủ động lập kế hoạch và các phương án vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa nước thủy lợi.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng yêu cầu: Đối với những hồ, đập đã quá xuống cấp, Tổng cục Thủy lợi phải chủ động phương án không tích nước, thậm chí phải tính đến phương án phá đập tràn trước mùa mưa lũ.
Mùa mưa bão đang đến gần, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, nhất là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu… Đồng thời, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật, xử lý kiên quyết đối với các đơn vị không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn.
Thiên Bình