(Moitruong.net.vn) – Dù không ảnh hưởng tới đất liền nhưng bão Chanchu năm 2006 đã cướp 266 sinh mạng ngư dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Có xã tới 86 người mãi mãi không trở về, để lại nỗi đau không nguôi cho người ở lại.

Chanchu là cơn bão đầu tiên trên biển Đông trong mùa mưa bão năm 2006, có cường độ mạnh, sức tàn phá chỉ sau Linda – xảy ra tháng 11/1997 phá hủy một phần từ Bình Thuận đến Cà Mau, khiến khoảng 3.000 người chết và mất tích.

Sau khi đổ bộ vào Philippines trưa 13/5, Chanchu vượt qua quần đảo này vào biển Đông. 2 ngày sau, bão theo hướng Tây và Tây Tây Bắc với sức gió tăng từ cấp 10 lên 12, giật trên cấp 12. Đến 10h ngày 15/5, bão chuyển hướng Bắc và sau đó là Bắc Đông Bắc cũng với sức gió như trên. 1h ngày 18/5, bão đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Xác định cơn bão mạnh có hoàn lưu và ảnh hưởng rộng, khi bão vào biển Đông, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương đã tổ chức theo dõi đưa ra các bản tin dự báo với thời hạn 24 giờ theo quy định. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm, cứu nạn có các công điện yêu cầu bộ, ngành liên quan và địa phương theo dõi biến biến, sẵn sàng ứng phó với bão, hướng dẫn tàu thuyền chủ động phòng tránh; phân công lãnh đạo trực tiếp xuống các trọng điểm để chủ động đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

Địa phương đã kêu gọi được hơn 29.000 phương tiện đang hoạt động trên biển về nơi tránh bão và bố trí sắp xếp cho gần 23.000 phương tiện neo đậu tránh bão, trong đó hơn 1.000 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 9.000 người đã vào bờ tránh bão an toàn. Một số tàu thuyền đánh bắt xa bờ tại ngư trường đông Hoàng Sa đã nhận được thông tin báo bão, vào neo đậu trong khu vực lòng chảo đảo Đông Sa và thông tin cho gia đình đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Không ảnh hưởng tới đất liền, nhưng tâm bão đã đi vào vùng trú ẩn của ngư dân đánh bắt xa bờ ở Bắc biển Đông. Theo tổng hợp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Chanchu đã làm 266 người chết và mất tích, trong đó vớt được 20 thi thể. Quảng Nam có số ngư dân chết và mất tích nhiều nhất, gần 160 người. Trong đó, nặng nề nhất là huyện Thăng Bình (99 người) và xã Bình Minh (86 người). 20 gia đình có 2 người đến 3 người bị nạn. Những người chết và mất tích đều là hộ ngư dân nghèo, gia đình đông người và là lao động chính. Thiệt hại còn lại tập trung ở một số xã, phường của Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Thủ tướng Phan Văn Khải khi ấy đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giúp đỡ gia đình và người bị nạn về tinh thần và vật chất. Các học sinh, sinh viên là con em gia đình bị nạn được hưởng chế độ đặc cách, được trợ cấp học bổng để tiếp tục học hành. Chính phủ trích 21 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2006 hỗ trợ cho các địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão.

10-nam-tham-hoa-bao-chanchu

Đường đi thực tế của bão Chanchu.

Dự báo bão chưa đáp ứng nhu cầu

Tại họa xảy ra cách đất liền khoảng 1.000 km khiến nhiều ngư dân và thân nhân những người gặp nạn bức xúc. Họ cho rằng chính việc dự báo chậm của cơ quan khí tượng đã gây nên thảm họa. Ngay khi tâm bão ở Philippines, Đài Khí tượng Hong Kong đã dự báo đường đi của Chanchu không đổ bộ vào Việt Nam. Trong khi đó, dù dự báo muộn hơn, sáng 14/5 Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương lại cho rằng bão theo hướng Tây Tây Bắc và hướng vào Việt Nam.

Những ngày tiếp theo, Đài khí tượng Hong Kong và các đài khu vực xác định đường đi của bão là thẳng lên phía Bắc, vào vùng biển giữa đảo Hải Nam và Đài Loan, thì 3h30 ngày 15/5 Việt Nam dự báo: “Tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi – Phú Yên 690 km về phía Đông, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc”. 6 tiếng sau, bản tin Trung tâm mới thông báo bão “đột ngột chuyển hướng”.

Sau khi bão tan, ông Lê Công Thành, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nói “Chúng tôi đã dự báo tương đối chính xác” và cho rằng không nên dựa vào bản đồ dự báo của Đài Hong Kong và so sánh với bản đồ dự báo của Việt Nam, rồi đi đến kết luận sai.

“Dự báo của chúng tôi chỉ trước 24 giờ, trong bản tin nào cũng nói rõ là báo di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. Trong bản tin 9h30 ngày 15/5, Trung tâm dự báo trong 12 giờ tới bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc, nhiều khả năng di chuyển phía Bắc. Bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc nghĩa là đi lên hướng Bắc rồi”, ông Thành nói.

“Tôi hoàn toàn thanh thản với linh hồn những ngư dân đã thiệt mạng. Nếu chúng tôi sai và thiếu sót thì hơn ai hết chúng tôi là người đau xót đầu tiên”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, ngư dân và gia đình họ không đồng tình với cách trả lời của đại diện cơ quan khí tượng. Bởi nếu nhận được dự báo sớm hơn, chính xác hơn, hàng trăm ngư dân đã không vào đảo Đông Sa tránh bão, hoặc đã kịp di chuyển khỏi điểm chết người đó.

Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2006, nhiều đại biểu đã đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia điều tra về bão Chanchu. “Ủy ban sẽ điều tra toàn bộ quy trình phòng chống bão, tìm ra nguyên nhân dẫn đến thảm họa. Từ bài học xương máu này mới có cơ sở xác đáng để chuẩn bị cho ngư dân ra khơi an toàn”, bà Nguyễn Thị Vân Lan, đại biểu của Đà Nẵng, nơi có hơn 80 người thiệt mạng trong bão nói.

Nguyên nhân và bài học

Sau thiệt hại nặng nề của Chanchu, các ngành chức năng đã ngồi lại xem xét toàn diện từ công tác dự báo, quản lý tàu thuyền ra khơi đến cứu hộ cứu nạn. Tại buổi làm việc với Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam trung tuần tháng 5/2006, ông Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, thừa nhận: “Từ trước đến nay, công tác phòng chống bão (từ khâu dự báo đến cứu nạn) chỉ tập trung trong bờ. Còn ngoài khơi xa thì lực lượng phòng chống không với tới được”.

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương thừa nhận công nghệ lúc đó chỉ có thể dự báo tương đối chính xác với thời gian dự kiến là 24 giờ. Với bão Chanchu – cơn bão rất mạnh và đổi hướng thì dự báo thời hạn 24 giờ chưa đáp ứng được việc phòng tránh của tàu thuyền đánh bắt xa bờ, chưa tạo điều kiện để ngư dân điều chỉnh việc trú ẩn và phòng tránh có hiệu quả. Việc dự báo chỉ quan tâm đến vùng biển gần bờ – nơi có nhiều tàu thuyền đánh cá.

Bão Chanchu cũng cho thấy việc quản lý tàu thuyền ra khơi rất lỏng lẻo. Bộ Thủy sản có Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là cơ quan phụ trách về đăng kiểm, quản lý nguồn lợi, tàu thuyền. Trong cơn bão, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương cùng với Bộ đội Biên phòng phải có trách nhiệm thông báo cho tàu thuyền về hướng đi của bão và chỉ dẫn một cách cụ thể về hướng tránh bão.

Tuy nhiên, chính ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó ban chỉ huy phòng chống bão lụt – tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng và ông Lê Tiến Hưng, Phó tham mưu trưởng bộ đội biên phòng Đà Nẵng khi ấy trả lời phỏng vấn báo chí đã khẳng định, không biết có tàu cá của dân đang ở trong vùng bão đi qua trong đêm 17/5. Chính sự quản lý lỏng lẻo mà một tuần sau khi bão đã đi qua, các cơ quan chức năng không có con số chính xác về thiệt hại người và tàu.

Dự báo kém, quản lý tàu thuyền lỏng lẻo, số phận của ngư dân khi gặp bão chỉ trông chờ vào may rủi và khả năng cứu hộ. Trong cơn bão Chanchu, phải mất 3-4 ngày tàu cứu hộ của Việt Nam mới đến được vị trí tàu bị nạn. 3 tàu hải quân của Việt Nam không tìm kiếm được tàu hoặc một nạn nhân nào, mà hoàn toàn do ngư dân tự cứu nhau hoặc do phía Trung Quốc tìm rồi bàn giao.

Sau bão Chanchu, các ngành liên quan đến công tác phòng chống bão đã phải chấn chỉnh. Ngành khí tượng đã đưa cảnh báo bão thời hạn 48 giờ vào bản tin dự báo và tăng số lần phát bản tin dự báo đối với các trường hợp bão đang di chuyển trên biển Đông. Bộ Thủy sản (sau này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã rà soát, chấn chỉnh công tác đánh bắt xa bờ, chú trọng khâu tổ chức và quản lý tàu thuyền hoạt động trên biển; người đi biển phải được trang bị các phương tiện bảo hiểm, máy móc thông tin.

Các tàu cứu hộ cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo ứng cứu nhanh nhất tàu cá xa bờ gặp nạn.

Một mùa mưa bão nữa cận kề, người dân và nhất là ngư dân từng trải qua thảm họa Chanchu mong rằng những thảm họa mang tên Chanchu sẽ không lặp lại; hoặc nếu nó có đến thì Việt Nam có đủ phương tiện, kinh nghiệm phòng chống, giảm tối thiểu thiệt hại về người và của.

Theo Vnexpress


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
10 năm thảm họa bão Chanchu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.