XEM VIDEO: Nhìn lại 10 sự kiện môi trường nổi bật năm 2019
Phong trào chống rác thải nhựa lan tỏa tại nhiều tỉnh thành trên cả nước
Thời gian gần đây, đi đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hành động: Từ thay đổi thói quan sử dụng chai thủy tinh thay vì chai nhựa đến sử dụng các loại ống hút tre, inox, hạn chế dùng bao ni lông…
Phong trào “Chống rác thải nhựa” giờ không chỉ là khẩu hiệu mà đã dần đi sâu vào nếp nghĩ, thói quen hàng ngày ở khắp nơi từ công sở đến cộng đồng với nhiều hoạt động như: Phong trào Ngày Chủ nhật xanh, hạn chế sử dụng túi nilon, làm sạch biển; thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa; Tăng cường các công tác tuyên truyền chống rác thải nhựa…
Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ
Ngày 18/6, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Diễn đàn lần này tập trung bàn về 3 vấn đề quan trọng: Đánh giá thẳng thắn những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc; Xác định được các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới; Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân.
Cháy rừng ở Miền Trung gây hậu quả nặng nề
Tính đến ngày 2/7, các vụ cháy rừng ở miền Trung cơ bản đã được giập tắt nhờ sự nỗ lực bền bỉ chống giặc hỏa của hàng chục nghìn con người cùng với sự ủng hộ của thiên nhiên là “những cơn mưa vàng” tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Nghiêm trọng nhất là tại tỉnh Hà Tĩnh với hàng trăm điểm cháy ở bảy huyện và số người được huy động cứu rừng lên tới 15.000. Vì vậy, Việt Nam mất đi hàng chục nghìn ha rừng, trong đó mất rừng do hỏa hoạn là khoảng 16.000ha/năm. Thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng, tăng nguy cơ lũ lụt, làm giảm tính đa dạng sinh học, phá vỡ cảnh quan; tác động xấu đến an ninh quốc phòng…. Tham gia khống chế cháy rừng, 1 phụ nữ ở Nghệ An đã tử vong. Tại Thừa Thiên – Huế, một cán bộ kiểm lâm bị thương khá nặng.
Mực nước sông Mê Kông xuống thấp nhất trong 100 năm qua
Mực nước sông Mê Kông xuống thấp nhất trong 100 năm qua
Năm 2019, mực nước sông Mê Kông tại Nakhon Phanom, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan giáp với Lào, đã xuống mức thấp nhất trong gần 100 năm qua.
Trong lúc tình trạng khô hạn vẫn tiếp diễn, mực nước sông Mê Kông giảm khoảng 10-20cm mỗi ngày. Có thời điểm, mực nước chỉ vào khoảng 1,5m, thấp hơn điểm tràn nước trên bờ khoảng 11m. Mực nước sông xuống thấp đã làm lộ phiến đá to có khắc dấu chân Đức Phật ở giữa lòng sông tại làng Woen Phra Bat thuộc huyện Tha Uthen.
Điều này đã gây khó khăn cho những người làm nghề đánh cá ven sông.
Cháy kinh hoàng ở Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông
Khoảng 18h30 ngày 28/8, vụ cháy lớn bùng phát và khói đen bao trùm khu xưởng gần 6000m2 của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ngọn lửa lan sang khu dân cư, nhiều hộ dân phải sơ tán khỏi khu vực cháy.
Hàng trăm chiến sĩ phòng cháy chữa cháy với 50 xe cứu hỏa đã làm việc trắng đêm để khống chế đám cháy. Đến 1 giờ sáng ngày 29/8, cơ bản đám cháy được khống chế.
Vụ cháy để lại hậu quả kép: Hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường. Theo thông báo của Công ty Rạng Đông, ước tính thiệt hại ban đầu trong vụ cháy khoảng 150 tỉ đồng, trong đó số lượng sản phẩm có thể ảnh hưởng đến môi trường ước tính 480.000 sản phẩm bóng đèn huỳnh quang; 2 triệu sản phẩm đèn tròn công suất thấp; 1,6 triệu bóng đèn HQ compact. Tính đến 26/9, Urenco 10 đã thu gom, vận chuyển được hơn 1.300 tấn vật liệu, phế thải các loại.
Đến chiều 25/9, bộ đội hóa học đã tẩy độc, làm sạch được toàn bộ diện tích này.
Cảnh hoang tàn sau vụ cháy công ty Rạng Đông
Báo động tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đồng tình với các nghiên cứu cho rằng chất lượng không khí Việt Nam cuối tháng 9 xấu đi.
Tại Việt Nam, hơn 60.000 ca tử vong do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính năm 2016 có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Theo phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội do: Phát thải từ hoạt động giao thông, phát triển bùng nổ về xây dựng, thói quen sử dụng than tổ ong… Đặc biệt, trong tháng 9-2019, ô nhiễm không khí, bụi mịn PM2.5 tăng cao còn do ít mưa nhất trong vòng 6 năm qua. Trong tháng 9-2019, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, bụi lơ lửng, không thoát được lên cao. Bên cạnh đó, thời điểm này vào vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ đã ảnh hưởng đến không khí nội đô.
Tại TP.HCM, gần 9 triệu xe cộ với hơn 825.000 ôtô và 8,12 triệu xe máy thải khói ra môi trường mỗi ngày. Khói bụi từ giao thông cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Triều cường tại TP Hồ Chí Minh lập đỉnh kỷ lục mới
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đợt triều cường chiều tối 29/9, đỉnh triều đã lập kỷ lục mới đo tại trạm Phú An (trên sông Sài Gòn) với mức 1,73 m (vượt báo động III là 0,25 m). Cao hơn mức đỉnh lịch sử được lập trước đó là 0,2 m (mức 1,71 m).
Ngày 30/9, mực nước tại trạm Phú An đạt tới 1,75 m, ngày 1/10 giảm xuống còn 1,71 m; tại trạm Nhà Bè đạt 1,77 m, đến ngày 1/10 giảm xuống còn 1,72 m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 17 giờ – 19 giờ.
Trong chiều 29/9, do triều cường, một số tuyến đường ở Quận 2, Quận 7, huyện Nhà Bè… ngập nặng, người dân đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Theo các chuyên gia thời tiết, tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nguyên chính khiến triều cường ngày càng dâng cao.
Vụ đầu độc nguồn nước sông Đà khiến người dân Hà Nội điêu đứng
Sự cố đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở hồ Đầm Bài, Kỳ Sơn, Hòa Bình ngày 8-10 đã khiến cho sinh hoạt của nhiều cư dân ở Thủ đô Hà Nội đảo lộn
Nguyên nhân nước sông Đà có mùi lạ được xác định do xe tải đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh – Phúc Tiến – Phú Minh. Sau đó, dầu thải chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (hồ cấp nước cho nhà máy nước sông Đà).
Hàng triệu hộ dân sinh sống tại các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai thấy nước có mùi khét và váng dầu. Vì thế mà người dân phải đổ xô mua nước đóng chai, bình nước về để nấu ăn.
Nhiều quy định mới về bảo vệ môi trường
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (BVMT). Với 7 Điều, 81 trang nội dung, 121 trang phụ lục và biểu mẫu kèm theo, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã giải quyết những vấn đề còn chồng chéo, lấp khoảng trống trong các văn bản luật trước đó.
Trong đó bãi bỏ, bổ sung nhiều điều, khoản trong 4 Nghị định cùng nhiều điểm mới v ề việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nghị định cũng bổ sung Danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Hà Nội cấm dùng bếp than tổ ong từ năm 2020
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành chỉ thị về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội xác định lộ trình đến này 31-12-2019, các quận, huyện phải tổ chức thông báo đến mọi tầng lớp dân cư, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong, làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.
Ban Biên Tập