Zero waste – phong trào hạn chế rác thải hay còn có một cái tên thuần Việt là “sống xanh” đã trở nên quen thuộc với nhiều người.
Trào lưu sống xanh đang có những tác động tích cực đến suy nghĩ, hành động của nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Sống xanh, nghĩ thì có vẻ đơn giản, nhưng để biến nó thành một lối sống hàng ngày là điều không đơn giản. Tuy nhiên, chỉ cần hiểu những nguyên tắc cơ bản dưới đây kết hợp với sự kiên trì, thói quen nào rồi cũng sẽ thay đổi được.
Lối sống xanh đang được những người trẻ Việt hưởng ứng nhiệt tình
Giảm bớt – Mua những đồ dùng thực sự cần thiết
Tiết giảm, mua đồ đủ dùng là điều đầu tiên. Điều này gần giống như việc bạn lựa chọn lối sống tối giản, nghĩa là tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, ưu tiên trải nghiệm thay vì vật chất. Tuy nhiên, để thực hiện được nguyên tắc này, bạn cần phải có bản lĩnh để từ chối với những lời mời gọi hấp dẫn của hàng loạt chương trình khuyến mãi “bủa vây” xung quanh mỗi ngày. Chúng ta thường mua sắm vì sở thích hoặc vì liêu xiêu trước những chương trình giảm giá để rồi mang về rất nhiều món đồ chẳng mấy khi dùng đến với số tiền không hề nhỏ.
Bởi vậy, bạn có thể tập tiết giảm bằng những thói quen nhỏ: trước khi trả tiền cho một món hàng, cần chậm lại để cân nhắc thật kỹ xem tính cần thiết của nó với cuộc sống của mình rồi hãy quyết định mua; từ chối quà tặng kèm không cần thiết khi mua sắm… “Cai nghiện” mua sắm và cân nhắc lựa chọn khi tiêu dùng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoảng tiền không nhỏ và có thể giảm thiểu rác thải cho môi trường.
Tận dụng đồ, chia sẻ đồ không dùng đến
Tái sử dụng và tận dụng hết tính năng của các món đồ, chia sẻ đồ không dùng đến để gia tăng hiệu quả sử dụng là nguyên tắc thứ 2 nhiều người trẻ sống xanh lựa chọn thực hiện.
Để thực hiện, điều đầu tiên bạn cần thay đổi vài thói quen tiêu dùng như: từ chối những thứ dùng một lần như ống hút nhựa, muỗng nĩa khi mua đồ ăn, thức uống; mang theo ống hút và bình đựng nước cá nhân; dùng hộp đựng thức ăn thủy tinh, inox thay hộp xốp dùng một lần; đem theo túi vải khi mua sắm… Bởi đồ nhựa dùng một lần tuy tiện,, nhưng lại gây lãng phí tài nguyên và tạo ra rất nhiều rác thải.
Với những món đồ gia dụng, bị hư hỏng, bạn có thể biến chúng thành một món đồ khác để tiếp tục sử dụng. Ví dụ: dùng chai lọ làm chậu trồng cây, tận dụng những chiếc áo cũ thành ghẻ lau… Việc chia sẻ đồ không còn nhu cầu sử dụng cũng là một cách để tránh lãng phí. Quan trọng hơn hết, việc tái sử dụng và chia sẻ sẽ giúp cho vòng đời của món đồ kéo dài hơn, làm giảm được lượng rác thải ra môi trường.
Ngày càng nhiều người chọn những sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường và có thể tái sử dụng nhiều lần
Sử dụng những sản phẩm có thể tái chế
Trong cuộc sống hiện đại, để thực hiện triệt để lối sống xanh là điều không hề dễ dàng bởi nhiều thói quen tiêu dùng không thể thay đổi trong thời gian ngắn. Xu hướng sử dụng những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên của người tiêu dùng khiến cho nhiều doanh nghiệp cũng nhanh nhạy chuyển hướng. Nhiều sản phẩm được làm từ những nguyên liệu có thể tái chế đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Những hộp cơm được làm từ bã mía đang dần thay thế những hộp xốp làm từ nhựa. Các sản phẩm dinh dưỡng đựng trong hộp giấy dần được lựa chọn nhiều hơn những sản phẩm cùng loại đựng trong các nguyên vật liệu khác…
Tái chế rác thải là hành trình cần thiết để có thể hướng tới một lối sống xanh bền vững. Việc tái chế tạo ra nguyên liệu để sản xuất những sản phẩm mới; làm giảm việc khai thác nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng và mang lại giá trị cho các sản phẩm đã qua sử dụng. Tuy nhiên, để có thể tái chế đúng cách, hiệu quả còn phụ thuộc rất lớn vào thói quen tiêu dùng và phân loại rác thải. Bởi vậy, ngày càng nhiều người tiêu dùng hiểu và tích cực thay đổi các thói quen hàng ngày để góp phần bảo vệ môi trường.
Ủng hộ và cổ vũ lối sống xanh, Tập đoàn Tetra Pak, nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói hàng đầu thế giới sẽ tổ chức chương trình “Ngày hội tái chế vỏ hộp giấy” vào ngày 14-15/12 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội). Những người tham gia sẽ đổi hộp sữa đã qua sử dụng để đổi lấy cây xanh (100 vỏ hộp = 1 cây xanh). Đây là hoạt động thiết thực để vận động mọi người chung tay vào hành trình tái chế rác thải nhằm hướng tới một lối sống xanh bền vững.
Hoài Thu (T/h)