34 tỉnh, thành chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
Sau thời gian chạy thử nghiệm, từ hôm nay (1/7/2025), 34 tỉnh, thành trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã. Đây sẽ là dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính.
Sau thời gian chạy thử nghiệm, từ hôm nay (1/7/2025), 34 tỉnh, thành trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã. Đây sẽ là dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính.
34 tỉnh, thành trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã, đánh dấu thời khắc lịch sử của đất nước.

Đúng 6h sáng nay (1/7), chuông trống Bát Nhã đồng loạt vang lên tại hơn 18.000 ngôi chùa trên cả nước. Nghi lễ trang nghiêm này là một trong những hoạt động tâm linh trọng điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm cầu nguyện cho đất nước thái bình, nhân dân an lạc, trong thời khắc đặc biệt khi mô hình chính quyền 2 cấp chính thức được triển khai.
Trước đó, Trưởng lão hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội các tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước về việc cử 3 hồi chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an vào sáng 1/7. Đây là sự kiện lịch sử vô cùng đặc biệt trong tiến trình dân tộc bước vào kỷ nguyên mới phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Văn bản nêu: "Với truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong mọi chặng đường lịch sử, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự kính đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố; các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước cử hành 3 hồi chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an, tụng kinh và nghi lễ tâm linh cầu an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hồn thiêng sông núi đất nước Việt Nam".
Với truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong mọi chặng đường lịch sử, Ban Thường trực Hội đồng trị sự đề nghị: Đúng 6h sáng mai (1/7), các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước cử hành 3 hồi chuông, trống bát nhã cầu quốc thái dân an, tụng kinh và nghi lễ tâm linh cầu an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hồn thiêng sông núi đất nước Việt Nam.
Trước đó, ngày 16/6, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết mang tính lịch sử về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm số tỉnh, thành phố của cả nước từ 63 xuống còn 34. Đây là lần đầu trong gần nửa thế kỷ, Việt Nam có số đơn vị hành chính cấp tỉnh ít nhất.
Hôm qua, 30/6, cả nước đồng loạt diễn ra Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu, để hôm nay 1/7 vận hành chính thức mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trực tiếp đi khảo sát thực tế mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất của bộ máy mới là vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước của thành phố và chăm lo tốt hơn cho đời sống của nhân dân.
"Chúng ta phải xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuyển từ hình thức quản lý thụ động sang quản trị thông minh phục vụ nhân dân, chính quyền vì dân, phục vụ nhân dân kiến tạo cho sự phát triển và đủ năng lực để có thể triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống vì sự phát triển chung của đất nước", Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Như Quốc hội đã phân tích khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa phát huy được việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
Kết quả sau hơn một tháng lấy ý kiến rộng rãi, dân chủ, công khai, minh bạch qua nhiều hình thức cho thấy, về tổ chức đơn vị hành chính có tới 99,83% ý kiến tham gia góp ý tán thành với nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Quốc hội cũng đồng thuận cao khi biểu quyết thông qua.
Trong khi đó, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thể hiện cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện, mang tính kiến tạo sâu sắc, phản ánh tầm nhìn chiến lược, quyết tâm đổi mới; xác lập chỉnh thể cấu trúc pháp lý của chính quyền địa phương 2 cấp trên nền tảng tuân thủ một số điều có liên quan đến Hiến pháp được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; thể chế hóa chủ trương của Đảng trong tổng thể cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có kế thừa, bổ sung, phân định rành mạch thẩm quyền về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để phân định giữa Trung ương với địa phương, giữa cấp chính quyền địa phương với nhau, làm cơ sở pháp lý để hệ thống pháp luật chuyên ngành tuân theo khi sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới. Đồng thời thúc đẩy sự chủ động, năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương theo phương châm mà Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Đáng chú ý, quy định mới trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến từ 2 đơn vị hành chính trở lên, nhằm giảm thiểu tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, nâng cao hiệu quả điều hành ở cấp xã.

Ngoài ra, bổ sung thẩm quyền phân cấp của Chủ tịch UBND cấp tỉnh để phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân định, qua đó tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp tỉnh trong chỉ đạo, điều hành hoạt động trên toàn địa bàn cấp tỉnh.
Nhằm tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, theo góp ý của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã hoàn thiện nội dung phân định giữa nhiệm vụ, quyền hạn chung của UBND và nhiệm vụ, quyền hạn riêng của Chủ tịch UBND theo hướng tăng nhiều hơn thẩm quyền của Chủ tịch UBND. Theo đó, chuyển nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cho Chủ tịch UBND thực hiện để bảo đảm việc xử lý nhanh chóng, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động quản lý hành chính ở địa phương…