Ngày Tết Nguyên đán ở mỗi vùng miền sẽ có những phong tục, nét văn hóa riêng. Nhưng điểm chung của các vùng miền là đều chuẩn bị một mâm cỗ với những món ngon ngày Tết. Nhiều món ăn hấp dẫn được bày trí bắt mắt, bao nhiêu tinh hoa ẩm thực hội tụ trong mâm cơm Tết những ngày sum vầy đầu năm.
Những món ăn ngày Tết miền Nam như: Bánh tét, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho trứng… không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Xuân. Tết Nguyên đán là dịp lễ đầu năm quan trọng và có ý nghĩa nhất của người dân Việt Nam. Văn hoá ẩm thực ngày Tết cũng là một nét truyền thống đẹp với nhiều món ăn cổ truyền đặc sắc.
Mâm ngũ quả - ước mong năm mới đủ đầy, sung túc
Người miền Nam xem mâm ngũ quả như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài. Những sản vật này là sự kết tinh từ mồ hôi, công sức của những người dân lao động chắt chiu qua những vụ mùa, thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.
Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam thường có các loại quả: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, đọc chệch thành các tên "cầu vừa đủ xài" hoặc "cầu vừa đủ sung". Mỗi chữ cũng là đại diện cho những loại quả chính được trưng bày trong mâm ngũ quả của người miền Nam. Ở đây “cầu” chính là trái mãng cầu (hay trái na ở miền Bắc), “sung” chính là trái sung, “vừa” là cách nói theo ngữ điệu, chính là quả dừa, “đủ” là quả đu đủ và cuối cùng “xài” chính là quả xoài. Ngoài ra, còn thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng và cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, bởi màu đỏ của ruột dưa hấu tượng trưng cho tài lộc, may mắn, còn vỏ màu xanh là sự hi vọng ẩn chứa niềm vui từ bên trong.
Nếu như người miền Bắc, nải chuối xanh không thể thiếu trên mâm ngũ quả thì người miền Nam lại kiêng kỵ. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó.
Bên cạnh đó, quả cam cũng ít được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”, hoặc trái lê cũng ít xuất hiện vì đồng nghĩa với “lê lết”,…
Với người dân miền Nam mâm ngũ quả ngày Tết luôn thể hiện cho 5 yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Đây là 5 yếu tố được cho là đã cấu thành nên vũ trụ trong quan niệm của người Việt nói riêng và của văn hóa Á Đông nói chung.
Ngoài ra, mâm ngũ quả ngày Tết của người dân miền Nam đều mang một nghĩa chung sâu sắc đó là thể hiện lòng hiếu thảo, ước mong những điều tốt lành cho một năm mới sắp tới.
Mâm cỗ ngày Xuân phương Nam
Nói về thú ăn của người miền Nam thì chỉ có thể dùng một câu để miêu tả về những ngày đầu năm nơi “dưới sông cá lội trên trời chim bay” này, đó là: “Mèng ơi, quá đã!”. Mà không vui sao được khi Tết đến Xuân về, nhà nhà lại rục rịch chuẩn bị đồ ăn, đồ cúng, trang hoàng nhà cửa đón con cháu đi làm ăn xa về vui Tết cùng ông bà cha mẹ. Đất phương Nam sản vật phong phú, cánh đồng thẳng cánh cò bay từ bao đời nay đã nức danh là chốn gạo trắng nước trong, món ngon đã nhiều, kiểu cách chế biến lại thập phần đa dạng.
Muốn theo kiểu Bắc, kiểu Trung, kiểu Nam đều được, pha trộn thêm đồ Thái, Kh’me; rồi các món cari kiểu Ấn hầu như nơi chốn nào cũng bắt gặp. Phải chăng từ thời khẩn hoang xưa, thời theo chúa Nguyễn vào Nam mang gươm mở cõi, tiền nhân đã bỏ hết những ràng buộc cũ để mở lòng đón nhận điều mới lạ, rồi dần dần hun đúc thành nếp sống phóng khoáng và nghĩa hiệp nơi đây.
Từ lối sống đó mà sinh ra những món ăn trước là cúng kiếng, sau để lai rai cùng gia đình chòm xóm mà món nào cũng có hương vị ngon lành. Cổ truyền thì có bánh tét, từng đòn dài xanh mướt bày lên bàn thờ thật tiệp màu với đĩa trái cây sắp theo âm của câu “Cầu vừa đủ xài” rất hóm của Nam Bộ. Rồi đĩa heo quay, con gà roti vàng hườm hay con cá tai tượng chiên giòn có lớp miến chiên trắng bông xếp bên dưới, nhìn như muốn quẫy vây bay thẳng lên trời xanh. Cũng chả lụa, chả quế, chả giò, rồi các món xào, chiên, canh... như đồng bào ngoài Bắc, rồi lại thêm những món đặc thù của miền Tây để thành những mâm cỗ đầu năm đầy phong vị, khiến khách lạ nếu được mời ăn cùng gia đình chắc phải ngạc nhiên nhiều lắm.
Bánh tét
Món bánh tét ở miền Nam là một món ăn vô cùng đa dạng về cả màu sắc lẫn hương vị khác nhau. Với mỗi một loại bánh lại có nguyên liệu cùng tạo hình và nhiều màu sắc mới lạ. Nếu bạn được thưởng thức món bánh tét miền Nam thì bảo đảm bạn sẽ thích mê với hương vị tuyệt ngon của nó. Bánh tét được gói bằng lá chuối kèm dây lạt quấn xung quanh. Bên trong lớp vỏ bánh tét làm từ gạo nếp là phần nhân từ đậu xanh, thịt heo, đậu đen… tùy thuộc vào mỗi loại bánh.
Bánh tét có nhiều loại khác nhau như bánh tét nhân chay hoặc nhân mặn, bánh tét lá dứa, bánh tét lá cẩm, bánh tét gấc... Sau khi luộc chín, người ta đem bánh ra cắt thành từng lát để thưởng thức cùng củ kiệu chua hoặc dưa món để tăng thêm hương vị...
Củ cải ngâm nước mắm
Nhắc tới món ăn ngày Tết miền Nam thì bạn sẽ không thể bỏ qua món củ cải ngâm nước mắm với hương vị đặc trưng. Củ cải đã được chế biến kỹ rồi ngâm cùng nước mắm thơm ngon tạo nên một món ăn đặc biệt mà ai cũng phải ghiền khi được thưởng thức. Bởi vậy mà trong dịp lễ Tết của người miền Nam, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp món ăn này trong bữa cơm của họ.
Canh khổ qua
Theo quan niệm của dân gian thì trong ngày Tết mà thưởng thức món canh khổ qua có ý nghĩa là mong muốn cho những khổ cực của năm cũ sẽ qua đi để chào đón sự may mắn, tốt đẹp trong năm mới sẽ tới. Bởi vậy mà món ăn này cũng là một trong những món ăn ngày Tết miền Nam mà nhiều người thích mê.
Không chỉ đơn giản là mang ý nghĩa tốt lành mà món canh khổ qua này còn có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể con người một cách tốt nhất. Món canh này có nhiều tác dụng: Giải nhiệt, chống ngán, giải mỡ,… nên nếu được thưởng thức món canh này trong ngày Tết với nhiều đồ ăn chứa đạm thì hẳn là một điều vô cùng tuyệt vời.
Thịt kho nước dừa
Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam đó là thịt kho nước dừa. Để có món thịt kho ngon, bạn nên kho thịt ba chỉ cùng trứng vịt luộc cho đến khi nước dùng sánh lại và các nguyên liệu trên đều chuyển sang màu vàng nâu. Người ta thường thưởng thức thịt kho cùng cơm trắng với dưa món để tăng thêm hương vị đậm đà.
Canh măng
Là một món ăn cung cấp nhiều chất xơ cùng vitamin cho cơ thể con người mà canh măng đã trở thành một món ăn ngày Tết miền Nam được nhiều gia đình thích mê. Điểm đặc biệt của món canh măng ở miền Nam là sử dụng măng tươi để nấu nên vị rất ngon.
Trong ngày lễ Tết mà được thưởng thức món canh măng với hương vị thơm ngon tuyệt vời thì chắc hẳn ai cũng phải thích mê bởi nó mang một sắc thái rất riêng mà ai cũng cảm thấy cuốn hút vô cùng.
Chả giò
Điểm mặt những món ăn ngày Tết miền Nam không thể không có thì món chả giò chính là một món ăn tuyệt ngon mà bạn nên lưu tâm. Những miếng chả được gói nhân thơm ngon trong chiếc bánh đa giòn rụm mà ai cũng phải thích mê.
Nếu ngày Tết bạn cảm thấy dễ ngán vì có nhiều món ăn chứa chất béo thì gia đình bạn có thể chuẩn bị món chả giò bằng nhân hoa quả sẽ có được hương vị thơm ngon tuyệt vời. Chính vì vậy mà món ăn này được nhiều người yêu thích trong dịp Tết Nguyên đán.
Gỏi gà xé phay
Một trong những món ăn ngon ngày Tết miền Nam được nhiều người yêu thích là gỏi gà xé phay. Món ăn này chứa nhiều chất dinh dưỡng mà không gây ngấy vì không có dầu mỡ. Gà sau khi luộc sẽ được xé miếng, trộn với các loại rau như rau răm, hành tây, dưa leo…cùng nước mắm chua ngọt. Cách làm nhanh chóng, vị đậm đà là lý do mà ai ăn cũng ghiền. Hơn nữa, sử dụng gỏi gà làm món ngon chống ngán ngày Tết cũng là lựa chọn tuyệt vời. Bạn đừng quên bổ sung món ăn này vào mâm cơm ngày Tết của gia đình nhé. Đảm bảo các thành viên trong gia đình sẽ thích mê.
Củ kiệu trộn tôm khô
Món củ kiệu trộn tôm khô chính là một món ăn ngày Tết miền Nam mà cực kỳ nhiều người yêu thích. Bảo đảm đây là một món ăn ngon mà những “dân nhậu” sẽ không thể bỏ qua trong dịp lễ Tết.
Với vị chua của dưa kiệu cùng vị thơm ngọt của tôm đất làm người ăn càng nhai càng cảm thấy bùi. Nếu ăn món ăn này cùng bánh tét sẽ là một món ăn ngon hết ý mà ai cũng phải thích mê. Chính vì vậy mà người miền Nam cực kỳ yêu thích món ăn này.
Mứt dừa
Để đón lễ Tết ở miền Nam sẽ không thể thiếu món mứt dừa mang hương thơm ngon mê ly. Đây là một món ăn ngày Tết miền Nam mà nhà nào cũng có. Với sự biến tấu khác nhau đã tạo nên món mứt dừa có nhiều hương vị thơm ngon mà dịp lễ Tết người miền Nam vẫn thường mời khách. Màu sắc cùng mùi vị tuyệt ngon làm cho món ăn này dễ dàng chinh phục được mọi vị khách tới nhà bạn vui chơi.
Chả Lụa
Nhắc đến Tết cổ truyền là người ta nhắc tới chả lụa. Ghé những con chợ trong những ngày giáp Tết sẽ thấy rất đông các sạp bán chả lụa đông nghịt khách và đây là món cúng cũng như món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người miền Nam. Đây là một trong những món ăn ngày Tết miền Nam rất được ưa chuộng. Chả lụa được sắt thành từng lát nhỏ chấm với muối tiêu chanh, tương ớt ăn kèm với rau thì còn gì tuyệt vời hơn. Bên cạnh đó bạn có thể chế biến chả lụa thành nhiều món ăn khác vô cùng ngon miệng như chiên, luộc,….
Bánh gai
Món bánh gai là món ăn Tết miền Nam rất đặc trưng. Người ta có thể dễ dàng mua những chiếc bánh này ở ngoài chợ, siêu thị hay đặt làm hoặc cũng có thể tự làm tại nhà. Bánh gai có nhân đậu xanh hoặc nhân dừa bọc trong lớp nếp bao bởi lá gai đen nhánh làm cho chiếc bánh dẻo thơm và có màu sắc đặc biệt.
Lạp xưởng
Tết là dịp để mọi người trong gia đình cùng sum họp và ngồi bên nhau thưởng thức những món ăn ngày Tết thơm ngon. Nếu như món ngon ngày Tết của người miền Bắc luôn có món giò chả trong mâm cơm thì người miền Nam có lạp xưởng. Có rất nhiều loại lạp xưởng khác nhau như lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô, lạp xưởng nạc… Món lạp xưởng được người dân miền Nam làm vào mỗi dịp Xuân để đãi những vị khách quý. Nếu bạn đã từng ăn lạp xưởng và muốn tự tay mình thực hiện để đãi gia đình thì hãy thực hiện ngay dịp Tết.
Xôi vò
Món ăn này có cách thực hiện dễ mà hương vị thơm ngon, béo ngậy nên thường xuất hiện trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo đậm chất ẩm thực ngày Tết miền Nam. Đặc trưng nổi bật của món xôi này là những hạt xôi vàng rời rạc chứ không dính như các loại xôi thường thấy. Xôi có vị dẻo của nếp, vị bùi của đậu xanh cùng mùi thơm và béo của nước dừa. Xôi vò tự nấu thể hiện lòng hiếu nghĩa của con cháu với tổ tiên. Họ mong năm cũ qua đi và chào đón năm mới an lành, may mắn.
Người cao niên những ngày này xúng xính áo dài khăn xếp lên tế lễ ở Miếu Thành hoàng bổn cảnh; Miếu Bà Thiên hậu hoặc chùa làng, còn đám hậu sinh lo sắm sửa trong nhà dưới bếp cho những tiệc mừng năm mới thêm đầm ấm. Có lẽ vui nhất những ngày này chính là lũ nhỏ, chúng khỏi lo bị la rầy như thường nhật, thỏa sức chơi và kiểm đếm lì xì. Trong làn khói nhang thơm lan tỏa khắp ngõ xóm, khắp trên bến dưới thuyền đâu đâu cũng rực rỡ sắc vàng hoa mai để nhà nhà cùng tận hưởng món ngon chào Xuân mới.
Nét riêng Tết phương Nam
Đối với người Nam Bộ, Tết trước hết là cho Tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón Tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Từ sáng sớm ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung sắm sửa, chuẩn bị cho ngày Tết. Đàn bà, con gái lo chuẩn bị mâm cơm ngày Tết. Đàn ông, con trai thì chuẩn bị đồ thờ cúng.
Lễ cúng ngày Tết của người phương Nam phải đủ 2 phần. Phần trưng trên bàn thờ là lời nhắc nhở đến nguồn cội, phần cúng thì thường thay đổi. Phần trưng gồm bánh kẹo, mứt, mâm ngũ quả nhiều ý nghĩa và 5 bông cúc tượng trưng cho ngũ phúc. Mâm cơm cúng ông bà chiều 30 bao giờ cũng có con gà ngậm cọng hành và củ hành tía bày xung quanh là tượng trưng cho năm mới mọi việc hanh thông, sinh sôi nảy nở, nhiều niềm vui hơn năm cũ; bên cạnh đó là thịt kho, cá chiên, rau xào, canh khổ qua. Đó là những phong vị truyền thống trong ngày Tết phương Nam. Người phương Nam kính cẩn mời ông bà về cùng sum họp ngày Tết.
Lễ cúng lúc giao thừa rất trang trọng nhưng cũng rất đơn giản, chỉ cần xẻ trái dưa hấu, rót chén rượu và thắp nén nhang là đủ. Một điều đặc biệt là Người miền Nam không có tục hái lộc đầu Xuân, thời điểm ngày cuối năm này, nhà nhà phải tưới hoa, cây trái, cây cảnh trong vườn nhà.
Mồng một Tết là ngày của sum họp. Người phương Nam ít khi ra khỏi nhà, sáng sớm và chiều tối là lễ dâng trà và bánh mứt cho ông bà tổ tiên.
Khác với người miền Bắc là gói bánh chưng vào ngày 30 Tết thì người phương Nam gói bánh tét vào ngày mồng 2 Tết. Bánh được luộc trong đêm để mồng 3 có bánh tiễn chân ông bà và làm Tết Giếng.
Lễ cúng Tết Giếng gồm mứt Tết, bánh tét, trái cây, nhang đèn được sắm sửa ngay trên thành giếng. Nhang được thắp lên, người thành kính tạ ơn Ông Bà Giếng cũng chính là tạ ơn nguồn nước đã mang lại nguồn sống cho vạn vật ở đất này. Giếng được đậy nắp từ chiều 30 Tết và phải đến lúc Tết Giếng thì nắp giếng mới được mở ra. Sau đó, người ta sẽ múc chén nước giếng đầu tiên để cúng với lễ Tết Giếng. Bên cạnh đó còn cúng long thần, thổ địa.
Tết ở Nam Bộ cơ bản vẫn còn nguyên bản nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Những phong tục bình dị ấy thể hiện tính cách điển hình người dân ở phương Nam. Ngày nay, Tết Phương Nam người ta thường chọn đi du lịch, đi du Xuân, đi lễ hội nhưng tục lệ ấy vẫn được nhiều gia đình gìn giữ đến nay.