An Giang: Cấp bách bảo vệ nguồn nước

Theo ĐĐK|26/04/2018 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hiện tỉ lệ ô nhiễm nguồn nước ngầm tại tỉnh An Giang đang ở mức báo động, toàn tỉnh có trên 7.000 giếng nước, trong đó, có trên 240 giếng đang bị ô nhiễm. Do vậy, một số giếng ô nhiễm phải lấp để hạn chế lây lan sang các giếng khác.

Tại tỉnh An Giang hiện có nhiều giếng nước bị ô nhiễm (Ảnh minh họa)

Bà Trần Thị Thanh Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang cho biết, tỉnh xác định có 2 dạng nguồn nước, thứ nhất là nước ngầm, thứ hai là nước mặt. Hiện tỉ lệ ô nhiễm nguồn nước ngầm đang ở mức báo động, toàn tỉnh có trên 7.000 giếng nước, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì có trên 240 giếng đang bị ô nhiễm. Những giếng này phục vụ cho nước sinh hoạt và tưới tiêu cho nông nghiệp, nhưng hiện tại vấn đề đặt ra là một số giếng ô nhiễm phải lấp vì hạn chế lây lan sang các giếng khác.

Bên cạnh đó, tại vùng nước mặt, An Giang có nguồn nước mặt rất phong phú từ nguồn sông Tiền, sông Hậu rồi từ trên 28 tuyến sông, rạch khác. Tuy nhiên hiện tại nguồn nước này cũng bị đang bị ô nhiễm.

Theo bà Hương, có nhiều nguyên nhân nhưng với đặc thù của An Giang có trên 12.000 hộ dân cất nhà trên sông, rạch cũng gây ô nhiễm. Cùng với đó, bà con sinh sống ở đó đổ chất thải xuống sông, rạch. Một đặc thù nữa ở An Giang là người dân nuôi cá trên các bè cũng gây ô nhiễm.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh An Giang đã nỗ lực chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành, cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, các ngành chức năng còn hướng dẫn cho người dân cách nuôi cá lồng bè như thế nào để lượng thực ăn của cá bớt ảnh hưởng đến ô nhiễm nguồn nước…

Trong công tác giám sát, phản biện của Mặt trận tỉnh An Giang, bà Hương khẳng định, Mặt trận tỉnh đã thực hiện theo những quy định của Trung ương, chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để vào cuộc và nắm tình hình liên quan đến tất cả các vấn đề, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước. Hàng tháng Mặt trận An Giang có 500 phiếu gợi ý những vấn đề đặt ra để các cộng tác viên và các đại diện trong Mặt trận từ tỉnh cho đến xã đều phản ánh, và đa phần có nhiều vấn đề liên quan tới tình trạng ô nhiễm tại các con sông, kênh rạch, ô nhiễm ở các nhà máy…

Cũng liên quan tới bức xúc của người dân, năm 2017, Mặt trận An Giang đã thực hiện cuộc điều tra xã hội học về “Sự hài lòng của người dân đối với các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”. Trong đó đặt ra vấn đề ô nhiễm môi trường.

Bà Hương cho biết: Chúng tôi phát ra 2.000 phiếu điều tra liên quan tới vấn đề ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh An Giang. Kết quả cho thấy: Có trên 50% ý kiến của người dân phản ánh có tình trạng ô nhiễm môi trường nước, trên 30% ý kiến cho rằng nguyên nhân là do ý thức tự giác của người dân cũng như ý thức của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc chấp hành pháp luật về ô nhiễm môi trường chưa tốt. Trên 27% ý kiến cho rằng vai trò giám sát, đấu tranh của người dân trong việc vi phạm vệ công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra vi phạm ô nhiễm môi trường chưa tốt.

Qua những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan ở đây người dân còn được chỉ ra rằng, đó là việc xử lý các vi phạm còn chưa nghiêm, chế tài còn chưa đủ mạnh và chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý lỏng lẻo, công tác thanh kiểm tra chưa thường xuyên, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn chưa quan tâm tới sức khỏe của người dân…

“Để giải quyết vấn đề này chỉ có vai trò giám sát của Mặt trận thì chưa đủ, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự giám sát của người dân. Trong đó phải xác định nguyên nhân do đâu để từ đó đưa ra những khuyến nghị cụ thể, có như vậy công việc bảo vệ môi trường mới thực sự hiệu quả”, bà Hương kiến nghị.

Theo ĐĐK


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Cấp bách bảo vệ nguồn nước