Tài nguyên nước

Hội thảo Nước khoáng, nước nóng và bùn khoáng thiên nhiên: Định hướng khai thác bền vững “món quà từ lòng đất”

Thái Bình 18:14 09/05/2025

Sáng ngày 09/5/2025, tại Trung tâm hội nghị Lynn Times Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nước khoáng, nước nóng và bùn khoáng thiên nhiên – Tiềm năng khai thác, sử dụng”. Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước, địa chất thủy văn và môi trường.

Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu về nước khoáng tại Việt Nam đã trình bày và thảo luận sôi nổi về tiềm năng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên trên lãnh thổ Việt Nam, các quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng và phương pháp, khối lượng công tác thăm dò nước khoáng, nước nóng thiên nhiên cũng như định hướng khai thác sử dụng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên.

hoi-thao-5-.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Văn Bình – Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã trình bày báo cáo đề dẫn mang tính định hướng, làm rõ những khía cạnh khoa học, thực tiễn cũng như tiềm năng ứng dụng nước khoáng, nước nóng trong y học cộng đồng, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Báo cáo nhấn mạnh vai trò của công tác đánh giá, phân loại và quy hoạch khai thác nguồn tài nguyên đặc biệt này.

hoi-thao-4-.jpg
Đông đảo các đại biểu tham dự Hội thảo

Tiếp theo là hai báo cáo chuyên sâu từ PGS.TS Nguyễn Văn Lâm – Chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam. Tham luận đầu tiên có tiêu đề “Nước khoáng nóng Ngọc Sơn, Thanh Thủy – Tiềm năng khai thác, sử dụng”; tham luận thứ hai là “Tiềm năng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên lãnh thổ Việt Nam”. Hai tham luận đã cung cấp một bức tranh tổng thể về thực trạng hơn 400 nguồn nước khoáng đang tồn tại trên khắp cả nước, với sự phân bố đa dạng từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng và duyên hải Nam Trung Bộ, bao gồm các loại hình giàu khoáng chất như: nước khoáng fluor, silic, carbonic, brom, sắt… Những phân tích sâu sắc của ông Lâm khẳng định tầm quan trọng của nước khoáng trong phát triển du lịch nghỉ dưỡng và y tế dự phòng.

hoi-thao-3-.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học trình bày tham luận.

Về khía cạnh kỹ thuật, TS Vũ Ngọc Trân – đại diện Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam – đã trình bày tham luận với chủ đề: “Quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng và phương pháp, khối lượng công tác thăm dò nước khoáng, nước nóng thiên nhiên”. Báo cáo đưa ra các kiến nghị cụ thể trong việc chuẩn hóa quy trình đánh giá trữ lượng, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò – khai thác, đảm bảo tính bền vững và tránh thất thoát tài nguyên quý giá từ lòng đất.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Trương Văn Hiền – Giám đốc Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An – chia sẻ những kết quả đạt được trong khai thác và thương mại hóa dòng sản phẩm nước khoáng Carbonic Dăkmil. Ông cho biết, sản phẩm hiện đã bước đầu có mặt trên thị trường trong nước và tiềm năng lớn để phát triển thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, đáp ứng xu thế tiêu dùng nước uống giàu khoáng chất tự nhiên.

hoi-thao-1-.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Kết thúc chuỗi tham luận, TS Đỗ Tiến Hùng – Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp với chủ đề: “Định hướng khai thác, sử dụng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên”. Báo cáo đề xuất các giải pháp quy hoạch tổng thể, tăng cường đầu tư khoa học – công nghệ, xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ nguồn nước khoáng và tích hợp nguồn tài nguyên này vào các chiến lược phát triển du lịch sinh thái, y học cổ truyền và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Hội thảo kết thúc trong không khí sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn và tâm huyết. Các đại biểu thống nhất rằng nước khoáng, nước nóng và bùn khoáng thiên nhiên chính là “món quà vô giá từ lòng đất”, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, khai thác hợp lý, không lãng phí, và hướng tới phục vụ thiết thực cho đời sống con người. Thông điệp “Đừng để lãng phí món quà của Mẹ thiên nhiên” được lan tỏa mạnh mẽ, như một lời kêu gọi chung tay hành động từ giới khoa học, doanh nghiệp đến cộng đồng.

Tiềm năng khai thác nguồn nước khoáng nóng Ngọc Sơn (xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy)

Theo số liệu nghiên cứu, nguồn nước này được phát hiện từ năm 1982 bởi Đoàn địa chất 303 với trữ lượng lớn (cấp B: 704 m3/ngày, cấp C1: 366 m3/ngày). Nguồn nước có nhiệt độ ổn định từ 38,9 đến 39,1 độ C, hàm lượng khoáng hóa cao.

Đặc biệt, với nồng độ Radon cao gấp 4-6 lần tiêu chuẩn quốc tế, khoáng nóng tự nhiên Radon Thanh Thủy trở thành nguồn tài nguyên quý giá, mở ra cánh cửa đến thế giới chăm sóc sức khỏe tinh túy và trọn vẹn. Tuy được phát hiện muộn hơn, nhưng khoáng nóng tự nhiên Radon Thanh Thủy, Phú Thọ, Việt Nam vượt trội với nồng độ nhiều điểm khảo sát lên tới 5,89 nCi/l, cao hơn cả tiêu chuẩn nước khoáng Radon của những quốc gia Châu Âu (tiêu chuẩn tới 5 nCi/l), minh chứng cho giá trị quý giá của khoáng nóng Thanh Thủy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hội thảo Nước khoáng, nước nóng và bùn khoáng thiên nhiên: Định hướng khai thác bền vững “món quà từ lòng đất”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.