An Giang: Chuyển hơn 2.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu

Hoài Giang (t/h)|23/03/2019 02:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Người dân An Giang đã không còn băn khoăn khi chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu bởi lợi nhuận từ rau màu đem lại khá cao.

Vườn rau chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang hoa màu

Dự kiến, An Giang sẽ tăng hơn 2.000 ha diện tích một số loại cây như: khoai cao, sen, đậu tương, ngô non, ớt, rau ăn lá… từ diện tích lúa kém hiệu quả.

Trong sản xuất lúa, An Giang sẽ áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm’; mở rộng áp dụng Global GAP, Viet GAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân; tập trung triển khai tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và thay đổi cơ cấu giống lúa gieo trồng theo hướng tăng những giống lúa chất lượng cao có thương hiệu được doanh nghiệp bao tiêu với giá mua được đặt trước.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trong đó, tập trung chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây hoa màu có giá trị kinh tế cao hơn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang dành trên 70% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu, giảm mật độ sạ, giảm bón lượng phân đạm dư thừa, giảm sử dụng thuốc trừ sâu; trong đó, tỉnh An Giang đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các mô hình, các giải pháp tổng hợp trong sản xuất lúa.

Ngành nông nghiệp tỉnh tập trung nâng chất chương trình “1 phải, 5 giảm”, triển khai các mô hình “1 phải, 5 giảm” kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng nhằm xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá lớn bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…

Nông dân trồng rau tính toán rất chi ly. Khi giá cả vật tư nông nghiệp, thuốc, phân bón tăng cao, trong khi giá lúa không tăng hoặc tăng không đáng kể nên trồng lúa giá trị kinh tế thấp. So với trồng lúa, trồng rau cho thu nhập cao gấp 10 lần. Những nông dân có điều kiện luân canh 1 vụ lúa cộng với 1 hoặc 2 vụ dưa trên cùng một diện tích đất ruộng, nếu thuận lợi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Song song đó, tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của hợp tác xã kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác…

Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang phấn đấu, tổng diện tích lúa đạt 620.000 ha, năng suất trung bình cả năm đạt 6,38 tấn/ha, tăng 0,8 tấn/ha so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng đạt hơn 3,9 triệu tấn, tăng 30.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, vụ Đông Xuân có tổng diện tích gieo trồng 233.000 ha; năng suất 7,42 tấn/ha, tăng 0,07 tấn/ha so với cùng kỳ, sản lượng đạt hơn 1,735 triệu tấn, tăng 8.200 tấn so với cùng kỳ.

Vụ Hè Thu (từ ngày 20/3 – 10/5), tỉnh phấn đấu tổng diện tích lúa gieo trồng hơn 230.000 ha; năng suất 5,66 tấn/ha, tăng 0,13 tấn/ha so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng đạt hơn 1,3 triệu tấn, tăng 24.300 tấn so với cùng kỳ. Riêng vụ Thu Đông (từ ngày 15/7 – 30/8), tỉnh An Giang gieo trồng là hơn 152.000 ha, giảm 4.300 ha so với cùng kỳ năm ngoái; năng suất lúa đạt 5,96 tấn/ha, tăng 0,08 so với cùng kỳ và sản lượng đạt gần 908.000 tấn, giảm 13.000 tấn so với cùng kỳ.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Hiền, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho rằng, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh cần quan tâm chỉ đạo xuống giống tập trung đúng lịch thời vụ khuyến cáo; đồng thời phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn và có kế hoạch xuống giống né hạn, mặn để đảm bảo an toàn sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung vận động nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; tuyên truyền để người dân chọn những giống lúa có chất lượng cao, phù hợp với thỗ nhưỡng địa phương, đảm bảo cơ cấu 1 giống lúa không quá 20% diện tích gieo trồng, giảm sử dụng giống lúa VTR và Đài thơm 8 do giá lúa giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Đối với những địa phương không chủ động được nguồn nước tưới thường xuyên bị hạn cuối vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân là chủ động được mùa vụ, nguồn nước cũng như kế hoạch sản xuất từng loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết từng vùng sao cho hiệu quả nhất.

Hoài Giang (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
An Giang: Chuyển hơn 2.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.