An Giang: Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả

Minh Châu|27/11/2020 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – An Giang đã và đang tập trung đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo, trong đó chú trọng đến việc triển khai thực hiện hiệu quả, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững.

Trong 5 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh An Giang đã tiếp nhận tiền mặt và hiện vật (quy tiền) với tổng giá trị 948 tỷ đồng, qua đó, đã chi hỗ trợ cất mới 10.829 căn nhà Đại đoàn kết, với tổng kinh phí 325 tỷ đồng; sửa chữa 1.912 căn nhà cho hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tập trung thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo.

Người dân An Giang đầu tư làm nghề dệt vải, từng bước cho thu nhập ổn định.

Tại An Giang có nhiều cách làm hiệu quả, không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn giảm nguy cơ tái nghèo. Nổi bật của tỉnh An Giang là mô hình giảm nghèo với hình thức đầu tư trực tiếp giúp nhiều hộ nghèo được đổi đời, tạo thêm động lực để họ phấn đấu vươn lên, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành có hiệu quả và UBND cấp huyện, xã tiến hành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án ở địa phương, cơ sở để kịp thời hướng dẫn địa phương xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Nhờ có sự giám sát chặt chẽ, những năm qua trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục mô hình giảm nghèo với hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo tham gia thực hiện đem lại hiệu quả cao.

Đó là các mô hình thiết thực như: Nuôi gà, lươn, rắn hổ hèo, dê, cá lóc, chế biến đường thốt nốt, trồng nấm rơm, trồng đậu phộng, mè đen, nghề đan đát, nghề mộc… Đa số các hộ tham gia đều có lực lượng lao động, có ý chí vươn lên thoát nghèo bằng chính năng lực, sức lao động của mình. Đến nay có trên 80 % hộ tham gia thực hiện mô hình giảm nghèo đã thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Trong 5 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận tiền mặt và hiện vật (quy tiền) với tổng giá trị 948 tỷ đồng, qua đó, đã chi hỗ trợ cất mới 10.829 căn nhà Đại đoàn kết, với tổng kinh phí 325 tỷ đồng; sửa chữa 1.912 căn nhà cho hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng…

Cuối năm 2019, toàn tỉnh An Giang có gần 14.200 hộ nghèo, chiếm 2,63% và hộ cận nghèo gần 29.500 hộ, chiếm 5,45%. Nhờ đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của An Giang giảm còn dưới 2%.

Trong thời gian tới, An Giang tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả;chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả