An Giang: Tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai

Mai An|13/12/2020 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Là tỉnh nông nghiệp với các mặt hàng chủ lực thế mạnh như: lúa gạo, cá tra, rau màu, cây ăn trái. Tuy nhiên, tác động của thiên tai, sạt lở đất bờ sông đang đặt ra nhiều thách thức cho tỉnh An Giang, đòi hỏi giải pháp ứng phó lâu dài.

An Giang được biết đến là trung tâm kinh tế thương mại vùng ĐBSCL, là cửa ngõ giao thương với một số nước khu vực ASEAN (Campuchia, Lào, Thái Lan), là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước.

Dù là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có nguồn nước ngọt dồi dào, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng thời gian qua, An Giang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như: hạn hán gay gắt, kéo dài vào mùa khô; mưa to và kéo dài vào mùa mưa, đặc biệt là tình trạng lũ thất thường, sạt lở bờ sông, kênh, rạch ngày càng gia tăng… gây tác động trực tiếp đến đời sống người dân, ảnh hưởng mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Trong đó, năm 2011 (lũ lớn) gây thiệt hại đến 981 tỷ đồng. Năm 2020 ước thiệt hại 247 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Để ứng phó với BĐKH gây ra, An Giang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tỉnh đã ban hành kế hoạch khung nhiệm vụ, mục tiêu và danh mục dự án ứng phó với BĐKH giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh để chỉ đạo, điều hành. Khi xây dựng kế hoạch kinh tế – xã hội hàng năm, tỉnh quan tâm lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH để triển khai thực hiện đồng bộ.

An Giang còn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức ứng phó BĐKH, thiên tai cho người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, thường xuyên tổ chức đo đạc, dự báo thiên tai để cảnh báo cho người dân kịp thời ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra như: mưa, giông, lốc xoáy, sét, hạn kiệt, sạt lở đất; tổ chức cắm 252 biển cảnh báo sạt lở tại các khu vực sạt lở để cảnh báo người dân.

Để phát triển bền vững, UBND tỉnh đã khuyến cáo và quy hoạch, định hướng người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư các công trình ứng phó với BĐKH như: các hồ chứa nước đa mục tiêu ở vùng núi phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phòng cháy, chữa cháy rừng; đầu tư xây dựng các hệ thống kè chống sạt lở bảo vệ các đô thị, hạ tầng thiết yếu, dân cư… An Giang còn triển khai tốt công tác PCTT&TKCN như: tổ chức các mô hình giữ trẻ mùa lũ, nhân rộng mô hình “ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, dạy bơi cho trẻ em… Song song đó, củng cố lực lượng xung kích PCTT ở 156/156 xã, phường, thị trấn; tổ chức diễn tập PCTT&TKCN đến cấp xã.

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tác động của thiên tai, BĐKH vẫn đang gây rất nhiều khó khăn cho tỉnh. Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, hiện nay, thượng lưu Mekong đang phát triển mạnh mẽ các đập thủy điện, dung tích điều tiết hiện ước tính 65 tỷ m3 nước và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Đập thủy điện đang làm thay đổi quy luật dòng chảy sông Mekong và chế độ nguồn nước ở ĐBSCL. Lũ lớn giảm dần, trong khi số năm lũ nhỏ hoặc mất lũ tăng lên; nguồn nước thiếu hụt, hạn hán và xâm nhập mặn tăng. Do phù sa, cát bị đập thủy điện chặn lại, dòng chảy thiếu hụt nên sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch cũng tăng lên.

Cùng với những thách thức của BĐKH, việc cung cấp nước sạch nông thôn ở An Giang cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt ở vùng Bảy Núi, do ảnh hưởng khô hạn kéo dài làm tăng nhu cầu sử dụng nước nhưng hệ thống cấp nước hiện tại chưa đáp ứng được, gây thiếu nước sinh hoạt thường xuyên.

Mai An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai